SII hậu thâu tóm (kỳ 2): Mang tiền cho vay và đầu tư vào một công ty chìm trong nợ
Sau khi bán đi tài sản sinh lợi tốt nhất, CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (UPCoM: SII) đã mang tiền cho nhiều công ty khác vay và đầu tư vào một doanh nghiệp đang ngập trong nợ xấu.
Theo đó, SII thông báo mua thêm cổ phần để sở hữu 77.33% CTCP Nước Sài Gòn – An Khê (SAW), một công ty đang ngập trong nợ xấu. Theo BIDV, khoản nợ của SAW đến tháng 10/2023 là gần 133.7 tỷ đồng, trong đó có 32.9 tỷ đồng là nợ lãi và phí phạt chậm trả.
Đến đây, không rõ tại sao một doanh nghiệp vừa bán tài sản tốt lại tăng tỷ lệ sở hữu ở một công ty có vấn đề về lịch sử tín dụng, gây ảnh hưởng đến kết quả hình ảnh cũng như kinh doanh hợp nhất của công ty.
Ngoài ra, SII vẫn đang có dư nợ dài hạn với VietinBank chi nhánh Biên Hòa lên đến hơn 426 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024. Với việc nguồn tiền từ bán tài sản được cho vay chưa rõ mục đích và SII vẫn tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu ở các doanh nghiệp yếu kém, điều này có thể gây ra khả năng suy giảm nghiêm trọng về thanh khoản, dòng tiền dẫn đến nguy cơ xảy ra nợ xấu tại doanh nghiệp.
SII có đang thực sự phục vụ chiến lược phát triển ngành nước?
Tóm lại, kể từ khi bị thâu tóm bởi DNP Water, SII đã bán đi tài sản sinh lời cao nhất là nhà máy nước Tân Hiệp 2, chiếm hơn 70% công suất. Công ty đem tiền thu được cho vay ồ ạt và thực hiện M&A một doanh nghiệp ngành nước đang vướng nợ xấu.
Tất cả động thái này liệu có thực sự phục vụ chiến lược phát triển ngành nước, cổ đông nhỏ lẻ liệu có trở thành người gánh rủi ro cho các quyết định khó hiểu.
Trong một ngành thiết yếu, ít biến động như nước sạch – nơi kỳ vọng ổn định và dài hạn là ưu tiên – thì việc niềm tin đầu tư của cổ đông thiểu số và nhà đầu tư tài chính bị ảnh hưởng là điều khó chấp nhận. Việc theo dõi sát sao và yêu cầu công ty minh bạch hơn trong công bố thông tin là cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
Vội vàng tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên
Ngày 28/04/2025, SII công bố thông tin về cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sẽ được tổ chức vào ngày 19/05/2025, trong đó nội dung chính là bầu BKS nhiệm kỳ mới thay thế BKS hiện tại.
Theo quy định Điều 139.2 Luật Doanh nghiệp và Điều 14.1 Điều lệ của SII, Công ty phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính (tức muộn nhất vào ngày 30/04/2025). Nếu HĐQT có quyết định gia hạn họp ĐHĐCĐ thường niên trong trường hợp cần thiết, ĐHĐCĐ thường niên phải được tổ chức không muộn hơn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính (tức muộn nhất vào ngày 30/06/2025).
Việc SII gấp gáp tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, trong khi vẫn sẽ phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trước ngày 30/06/2025, gây tốn kém thời gian và chi phí cho Công ty và các cổ đông.
Hơn nữa, việc làm này của SII làm dấy lên câu hỏi vì sao Công ty lại cần phải thay thế các thành viên BKS ngay trước khi tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên mà không phải là tổ chức tại ĐHĐCĐ thường niên theo đúng thời hạn và thực hiện bầu BKS tại ĐHĐCĐ thường niên?
– 15:42 19/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/sii-hau-thau-tom-ky-2-mang-tien-cho-vay-va-dau-tu-vao-mot-cong-ty-chim-trong-no-739-1259417.htm