SMC: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

Cổ phiếu Thép SMC đã thoát án hủy niêm yết, tuy nhiên đà phục hồi còn nhiều khó khăn do bối cảnh ngành thép đối mặt nhiều thách thức.

Cổ phiếu

Novaland cam kết trả nợ, SMC thoát án hủy niêm yết

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) là doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn nhất trong nhóm thép khi chịu 2 áp lực. Một là bối cảnh ngành đi xuống khi kinh tế khó khăn, sự bảo hộ nền sản xuất thép của các khu vực kinh tế lớn lên cao. Hai là xuất phát từ nội tại, các khoản công nợ lớn khiến dòng tiền doanh nghiệp bị lao đao.

Theo đó, cổ phiếu SMC đã có đà giảm sâu từ vùng trên 20.000 đồng/cp tháng 7/2024 xuống 6.000 đồng/cp vào tháng 3/2025, diễn biến xấu hơn nhiều cổ phiếu cùng ngành như Nam Kim (mã: NKG), Tôn Đông Á (mã: GDA), Thép Việt Nam (mã: TVN), Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG)…

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 (9/4), cổ phiếu SMC bắt đầu phục hồi mạnh lên vùng 11.100 đồng/cp, tức tăng 95%; vượt trội trong ngành thép nói riêng và VN-Index nói chung.


Nguồn: TradingView

Bên cạnh thị trường chung phục hồi sau các thông tin tích cực về đám phán thuế quan giữa Mỹ cùng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thép SMC còn có động lực từ sự cải thiện về tình hình tài chính.

Sau nhiều lần trì hoãn, bị HoSE nhắc nhở chậm, vào đầu tháng 5, công ty đã công bố BCTC kiểm toán 2024. Điểm sáng là công ty chuyển từ lỗ ròng 270 tỷ sang có lãi 29 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi Thép SMC đã lỗ 2 năm liên tiếp 2022 – 2023, việc có lãi 2024 giúp công ty tránh được án hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE.

Kết quả này đến từ việc hoàn nhập phải thu khó đòi. Tính đến cuối 2024, nợ xấu của công ty là 1.326 tỷ đồng, tương đương 27% tổng tài sản. Trong đó, giá trị có thể thu hồi đã tăng từ 740 tỷ đồng đầu năm lên 971 tỷ cuối năm, đa phần là các khoản phải thu liên quan đến Novaland (mã: NVL).

Theo Thép SMC, vào ngày 20/12/2024, tập đoàn và Công ty cổ phần Novagroup cùng các công ty thành viên đã tiến hành ký bảng xác nhận công nợ và cam kết trả nợ. Tính đến thời điểm lập BCTC kiểm toán 2024, 2 bên đã ký một số hợp đồng mua bán tài sản và văn bản thỏa thuận nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán đối với các khoản phải thu của Thép SMC. Đó là lý do doanh nghiệp rà soát, đánh giá lại khả năng thu hồi và điều chỉnh mức trích lập dự phòng với các khoản phải thu liên quan.

Triển vọng phục hồi gặp thách thức

Trong thông điệp gửi cổ đông, nhà đầu tư, đối tác doanh nghiệp và các đồng nghiệp tại BCTN 2024, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT chia sẻ: “Trong suốt 36 năm xây dựng và phát triển, 2024 có thể nói là năm khó khăn và thử thách nhất đối với SMC. Tuy nhiên, đỉnh điểm của các yếu tố bất lợi đã đi qua và xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng ổn định và phục hồi cho năm 2025”.

Mặc dù thoát án hủy niêm yết nhưng Thép SMC vẫn còn nhiều khó khăn. Tính đến cuối 2024, doanh nghiệp còn khoản nợ phải trả 3.968 tỷ đồng, gấp 4,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phải trả nhà cung cấp là 1.421 tỷ đồng và nợ vay là 2.390 tỷ đồng.

Do vậy, để tồn tại và phát triển, công ty cần có nguồn lực mới. Thép SMC có phương án phát hành 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vốn điều lệ dự kiến gần gấp đôi lên 1.467 tỷ đồng. Mục tiêu huy động 730 tỷ để thanh toán các khoản nợ vay, khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động. Cổ phiếu riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Ngoài ra, bối cảnh ngành thép năm nay tiếp tục được dự đoán vẫn đối diện nhiều thách thức, từ sự bất ổn trong cung cầu cho đến các rào cản thuế quan. Chính sách thuế quan của Mỹ được cho là sẽ khiến kinh tế thế giới phục hồi với tốc độ chậm và chịu nhiều rủi ro. Bù lại, nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, kích thức tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng trong nước.

Dựa trên bối cảnh chung về kinh tế vĩ mô và thị trường ngành thép 2025, SMC đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay gồm doanh thu 9.500 tỷ đồng, tăng 6,6% so với thực hiện 2024 và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, gấp 2,5 lần.

Lãnh đạo cho biết kế hoạch được xây dựng dựa trên cân nhắc nhiều yếu tố thị trường, các khó khăn và nguồn lực của doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu quả tài chính và thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong quý đầu năm, công ty mới thực hiện được 1.847 tỷ doanh thu, giảm 18%. Sau khi trừ đi chi phí, hoạt động kinh doanh chính lỗ 16 tỷ nhưng nhờ hoạt động khác lãi 16,6 tỷ đồng mà công ty có lãi nhẹ 126 triệu đồng, giảm sâu so với mức 179 tỷ cùng kỳ năm trước.

Theo văn bản giải trình, Thép SMC thông tin ngành thép quý I đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi giá thép giảm và nhu cầu tiêu thụ kém. Cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp trong ngành và thép nhập khẩu làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và doanh thu của công ty.

Mỹ Hà-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/smc-qua-con-bi-cuc-den-hoi-thai-lai/32587454

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *