Soi định giá cổ phiếu các công ty chứng khoán sau khi thị trường vượt 1.500 điểm: Bất ngờ với VIX, VND, SHS

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn tưng bừng nhất trong nhiều năm trở lại đây. VN-Index liên tục đi lên mạnh mẽ, vượt 1.500 điểm với giao dịch đầy sôi động. Cổ phiếu các công ty chứng khoán đương nhiên không đứng ngoài cuộc vui. Từ đầu tháng 7, VIX (+62%), SHS (+35%), SSI (+30%), VCI (+18%), HCM (+18%), VND (+11%),… đều đồng loạt tăng mạnh, thậm chí có mã vượt đỉnh lịch sử.

Soi định giá cổ phiếu các công ty chứng khoán sau khi thị trường vượt 1.500 điểm: Bất ngờ với VIX, VND, SHS- Ảnh 1.

Với nhịp tăng này, định giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng thay đổi đáng kể. Theo thống kê, P/B trung bình của nhóm chứng khoán ước tính vào khoảng 2 lần, trong khi chỉ số P/E trung bình vào khoảng 22 lần. Đây là mức định giá không thật sự hấp dẫn tuy nhiên cũng không quá đắt nếu xét đến tiềm năng tăng trưởng của ngành trong bối cảnh triển vọng nâng hạng rất rõ ràng.

Có sự phân hoá khá rõ rệt giữa định giá của các công ty chứng khoán. Theo cập nhật từ báo cáo tài chính quý 2, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn trong nhóm như SSI (2,3 lần), HCM (2,7 lần), VCI (2,4 lần), MBS (2,4 lần) có mức định giá khá cao với P/B vào khoảng 2-2,5 lần. Các cổ phiếu này cũng có P/E vào khoảng 20-30 lần.

Soi định giá cổ phiếu các công ty chứng khoán sau khi thị trường vượt 1.500 điểm: Bất ngờ với VIX, VND, SHS- Ảnh 2.

Mặt khác, một số công ty chứng khoán top đầu có định giá thấp hơn như VIX (1,8 lần), SHS (1,4 lần), VND (1,5 lần) với P/B dưới mức trung bình ngành. P/E của 3 cổ phiếu này chưa đến 20 lần. Với lợi nhuận đột biến trong quý 2 vừa qua, VIX nằm trong nhóm có P/E thấp nhất ngành. Trong khi đó, 2 cái tên SHS và VND thường xuyên nằm trong nhóm có P/B thấp nhất ngành, dưới 1,5 lần.

Cần phải nhấn mạnh rằng, các cổ phiếu có mức định giá cao, cũng có những lợi thế cạnh tranh nhất định như thị phần, quy mô, tiềm năng tăng trưởng,… Điển hình là SSI dù có P/B 2,3 lần – cao hơn trung bình ngành nhưng là công ty chứng khoán có vốn hoá cao nhất ngành, vốn chủ sở hữu cao thứ 2 ngành, thị phần trong top đầu, room cho vay còn rất dồi dào…

Mặt khác, một số cổ phiếu có định giá thấp đang tồn tại những vấn đề như thị phần có dấu hiệu bị thu hẹp, room cho vay còn nhiều nhưng vốn đọng ở các hoạt động đầu tư khác khiến nguồn bị hạn chế,… Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng của nhà đầu tư.

Soi định giá cổ phiếu các công ty chứng khoán sau khi thị trường vượt 1.500 điểm: Bất ngờ với VIX, VND, SHS- Ảnh 3.

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán không rẻ nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng và định giá chỉ là một trong những yếu tố để cân nhắc khi lựa chọn cổ phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư nên xem xét khẩu vị rủi ro của chính mình, nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề nội tại của từng công ty chứng khoán, năng lực vốn, khả năng nắm bắt cơ hội khi nâng hạng,…

Theo nhiều tổ chức lớn trong và ngoài nước, Việt Nam có khả năng cao sẽ được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 ngay trong đợt rà soát cuối năm nay. Hàng tỷ USD vốn ngoại được dự báo sẽ đổ vào chứng khoán Việt Nam khi nâng hạng qua đó thúc đẩy thị trưởng tăng trưởng cả về quy mô và thanh khoản.

Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán được nhận định là một trong những nhóm cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp. Ngoài ra, lĩnh vực tài sản số cũng dần đi vào khuôn khổ tại Việt Nam, cũng được kỳ vọng sẽ là một trong những sân chơi hấp dẫn đối với các công ty chứng khoán, bên cạnh thị trường chứng khoán truyền thống.

Nguồn: https://cafef.vn/soi-dinh-gia-co-phieu-cac-cong-ty-chung-khoan-sau-khi-thi-truong-vuot-1500-diem-bat-ngo-voi-vix-vnd-shs-188250722223248585.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *