SpaceX nhập cuộc, sân chơi viễn thông Việt Nam không còn là độc quyền của Viettel, VNPT, MobiFone

SpaceX đầu tư 1,4 tỷ USD thí điểm Internet vệ tinh tại Việt Nam

Theo Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, SpaceX đã được cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam. Đáng chú ý, tập đoàn này đang xúc tiến thủ tục thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để chính thức hoạt động tại thị trường nội địa.

spacex.jpg
SpaceX có thể khai thác hiệu quả nhiều “vùng lõm” ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo – nơi hạ tầng cáp quang chưa phủ tới

Trong giai đoạn thí điểm, SpaceX cam kết rót khoảng 1,4 tỷ USD, bao gồm cả việc đặt hàng sản xuất thiết bị đầu cuối Starlink trong nước, qua đó thúc đẩy việc làm và phát triển ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam.

Với công nghệ phủ sóng trực tiếp từ vệ tinh, Starlink không phụ thuộc vào hạ tầng mặt đất như cáp quang hay trạm thu phát sóng. Điều này mở ra cơ hội cung cấp Internet cho các khu vực xa xôi, hẻo lánh như vùng núi, hải đảo, tàu biển, máy bay – nơi mà các nhà mạng truyền thống gặp nhiều khó khăn về đầu tư hạ tầng.

Hiện tại, Việt Nam đã đạt độ phủ sóng mạng di động tới 99,8% dân số, nhưng mới chỉ bao phủ 58% diện tích đất liền và 14,5% tổng diện tích lãnh thổ, bao gồm cả vùng biển. Do đó, khoảng trống kết nối tại các “vùng lõm” chính là thị trường tiềm năng cho Starlink.

Ba “ông lớn” chi phối hơn 90% thị phần viễn thông, SpaceX liệu có cơ hội chen chân?

Thị trường viễn thông Việt Nam hiện do ba “ông lớn” nắm giữ: Viettel (56,6%), Vinaphone (VNPT), MobiFone, với tổng thị phần trên 90%. Các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile, Gmobile và các MVNO chỉ chiếm chưa đến 10% còn lại.

Trong năm 2024, Viettel dẫn đầu với doanh thu hợp nhất 189.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50.400 tỷ đồng, đóng góp ngân sách 44.300 tỷ đồng. VNPT xếp thứ hai với doanh thu hơn 58.500 tỷ đồng, còn MobiFone đạt 23.500 tỷ đồng, tương ứng 90,3% kế hoạch năm.

Dù đã bão hòa tại các đô thị, thị trường viễn thông vẫn còn dư địa phát triển ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo – nơi các ông lớn chưa thể đầu tư hạ tầng triệt để. Đây chính là khoảng trống mà Starlink có thể tận dụng hiệu quả.

Dù mang lại nhiều lợi thế về phạm vi phủ sóng, giá dịch vụ Starlink hiện vẫn khá cao so với mức thu nhập trung bình tại Việt Nam. Cụ thể, với gói dân dụng có giá khoảng 599 USD cho thiết bị đầu cuối và phí sử dụng hàng tháng khoảng 99 USD (~2,3 triệu đồng). Ngoài ra, các gói cao cấp dành cho doanh nghiệp có giá tới 500 USD/tháng, với thiết bị khoảng 2.500 USD.

Trong khi đó, dịch vụ Internet cáp quang phổ thông tại Việt Nam chỉ dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/tháng (chỉ khoảng 8 – 20 USD).

Chênh lệch chi phí khiến Starlink khó có thể tiếp cận đại đa số người dùng phổ thông trong ngắn hạn. Để cạnh tranh với các nhà mạng truyền thống, SpaceX sẽ cần cải thiện chi phí và tăng cường giá trị dịch vụ, đặc biệt ở phân khúc doanh nghiệp và khu vực hạ tầng hạn chế.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, sự hiện diện của Starlink trong giai đoạn đầu chưa đủ để làm thay đổi cục diện ngành viễn thông tại Việt Nam. Nguyên nhân là bởi các vùng mục tiêu hiện nay có dân cư thưa thớt, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, thậm chí chưa có điện lưới.

Tuy nhiên, về dài hạn, nếu SpaceX tối ưu chi phí, mở rộng sản xuất thiết bị trong nước, đồng thời phát triển các gói dịch vụ linh hoạt hơn, Starlink hoàn toàn có thể trở thành nhân tố thay đổi cục diện ngành viễn thông, đặc biệt tại các vùng chưa được phục vụ tốt.

Ngày 23/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 659/QĐ-TTg, cho phép SpaceX thí điểm có kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, cụ thể là mạng vệ tinh sử dụng công nghệ quỹ đạo tầm thấp (Starlink) tại Việt Nam, trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

SpaceX được phép cung cấp dịch vụ Internet băng rộng vệ tinh tại các khu vực vùng sâu, vùng xa – nơi hạ tầng mặt đất còn hạn chế. Ngoài ra, tập đoàn này cũng được triển khai dịch vụ Internet vệ tinh trên máy bay và tàu biển, góp phần hỗ trợ phát triển ngành hàng không và hàng hải.

Thời gian thí điểm kéo dài 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và kết thúc trước ngày 1/1/2031. Phạm vi thí điểm là toàn quốc, với tổng số thuê bao tối đa 600.000, bao gồm cả thuê bao trực tiếp và thuê bao từ các đối tác bán lại dịch vụ.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/spacex-nhap-cuoc-san-choi-vien-thong-viet-nam-khong-con-la-doc-quyen-cua-viettel-vnpt-mobifone-1391128.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *