Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, nếu không có ngày 20/7 của 25 năm trước thì Việt Nam đã không có lớp doanh nhân dân tộc hôm nay, không có hệ thống ngân hàng thương mại như bây giờ, càng không có những tập đoàn tư nhân đủ sức làm trụ cột tăng trưởng khi bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Ngày 20/7 của 25 năm trước, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (tiền thân của Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM – HoSE) chính thức được khai trương. Đến ngày 28/7, phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam được tổ chức.
Trong chia sẻ mới đây trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, đã nhắc lại thời điểm lịch sử này của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“20/7/2000 – thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu với hai cổ phiếu niêm yết, bốn công ty chứng khoán, vài trăm tài khoản nhà đầu tư. Nhưng nếu không có ngày ấy, chúng ta đã không có lớp doanh nhân dân tộc hôm nay, không có hệ thống ngân hàng thương mại như bây giờ, càng không có những tập đoàn tư nhân đủ sức làm trụ cột tăng trưởng khi bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước”, ông Nguyễn Duy Hưng bày tỏ trên dòng trạng thái đăng ngày 20/7/2025.
Lãnh đạo cấp cao Chính phủ và lãnh đạo UBCKNN nhấn nút khai trương sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM ngày 20/7/2000
Ông Nguyễn Duy Hưng là một trong những người làm chứng khoán “đời đầu” của Việt Nam. Ông Hưng từng chia sẻ, ở thời điểm sắp khai trương thị trường chứng khoán Việt Nam, các lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký, 2 công ty niêm yết và 4 công ty chứng khoán đã di chuyển hết vào TP. HCM để chuẩn bị cho ngày đặc biệt này.
Được biết, SSI là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên hoạt động tại thị trường Việt Nam, với khởi đầu là công ty chứng khoán tư nhân duy nhất và nhỏ nhất, có vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng.
Ông Hưng cho hay lãnh đạo đất nước cũng rất quan tâm sự kiện này. Trước ngày khai trương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lúc ấy là Trưởng ban Kinh tế trung ương, đã đi kiểm tra một vòng, bao gồm cả trụ sở SSI. Trước đó, khi còn làm Bí thư thành uỷ TP. HCM, ông Trương Tấn Sang đã kiên quyết ủng hộ lấy trụ sở thượng viện của chính quyền cũ làm trụ sở Trung tâm giao dịch chứng khoán, nay là Sở Giao dịch chứng khoán.
“ ‘Thế quầy này bán máy lạnh REE, quầy kia bán cáp SACOM à?’, ông Sang quay sang đùa chúng tôi (ông Cao Sỹ Kiêm, ông Lê Văn Châu và tôi) rồi nói với mọi người: “Khi chưa có thị trường chứng khoán, TP. HCM đã có nhiều sản phẩm giống như vậy, như cơ chế đổi đất lấy hạ tầng… Hy vọng thị trường chứng khoán ra đời sẽ giúp thành phố huy động được nhiều nguồn lực phát triển”, Chủ tịch SSI hồi tưởng.
Ngày khai trương thị trường, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lúc ấy là Phó thủ tướng, đến dự rồi sang thăm SSI.
Ông Nguyễn Duy Hưng (thứ hai từ trái qua) được đón ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Thủ tướng) và ông Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó là Phó thủ tướng) đến thăm
“Ông Sáu Dân quay sang ông Châu và nói với chúng tôi: ‘Rất khó khăn mới cho ra được thị trường chứng khoán vì còn nhiều quan điểm chưa thật thống nhất. Hãy làm tốt nhất để khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt!’ ”, lãnh đạo SSI kể lại.
“13 con người của SSI lúc ấy đứng đầu là chàng trai 38 tuổi. Chúng tôi vốn là dân tư vấn đầu tư nước ngoài, có ít nhiều khái niệm về thu xếp vốn cho doanh nghiệp, về cổ phần cổ phiếu… và cả chút kiến thức học được về hệ thống giao dịch qua những lần tham gia đoàn của ông Lê Văn Châu đi tìm hiểu tại các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Mỹ. Thực lòng nghĩ lại thấy ‘dũng cảm’ thật! Vừa học, vừa làm, vừa kiếm thầy học hỏi nhưng lại vừa phải đóng vai trò người giải thích khi có ai đấy muốn hiểu rõ hơn về thị trường chứng khoán”, ông Hưng bày tỏ.
“Chúng tôi cũng băn khoăn lấy nguồn thu ở đâu để vừa tồn tại vừa hoạch định chiến lược phát triển song hành với sự ra đời và phát triển của thị trường. Nhưng tôi luôn có niềm tin vững chắc, thị trường chứng khoán sẽ tồn tại và phát triển ở Việt Nam và SSI sẽ là nhân tố rất quan trọng của thị trường. Đấy là lý do tôi từng xin gặp nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày ‘giấc mơ xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam’ đề ông tin và bật đèn xanh cho ông Lê Văn Châu xem xét cấp phép hoạt động cho SSI – công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên và là duy nhất tại thời điểm đó”, Chủ tịch SSI nhớ lại.
Nhìn lại, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng nếu ai đã từng sống trong thời kỳ trước đấy sẽ thấy thị trường chứng khoán, cả trực tiếp và gián tiếp, đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Ngoài huy động vốn cho nền kinh tế mà quy mô tăng dần theo năm tháng, ngoài chức năng tổ chức kênh đầu tư cho người dân thông qua mua bán cổ phần, ngoài vai trò trong cổ phần hoá và tái cơ cấu và lành mạnh hoá hoạt động doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn cùa công ty niêm yết… thì tất cả những gì xung quanh cuộc sống của chúng ta đều đâu đấy có bóng dáng thị trường chứng khoán.
Trong chia sẻ hôm nay – 25 năm khai trương thị trường chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch SSI nhấn mạnh: “Từ một quyết định đúng lúc, chúng ta mở ra cả một kỷ nguyên”.
“Hy vọng 20/7/2050, khi nhìn lại nửa thế kỷ, chúng ta sẽ thấy: thị trường không chỉ lớn hơn, chuẩn mực hơn, có vị thế toàn cầu, vẫn là nơi gieo niềm tin cho những giấc mơ lớn”, ông Nguyễn Duy Hưng kỳ vọng.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/ssi-25-nam-ttck-viet-nam-qua-ky-uc-cua-chu-tich-ssi-nguyen-duy-hung/33842767