SSI Research: Tái thiết biên lợi nhuận ngân hàng, tái cấu trúc thị trường trong nửa cuối năm
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng công bố ngày 08/07, SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng lần lượt tăng 14% và 16% so với cùng kỳ trong năm 2025 và 2026, được hỗ trợ bởi các yếu tố chính như tăng trưởng tín dụng mạnh, NIM ổn định, chi phí tín dụng dần cải thiện.
Sự chuyển dịch trong bức tranh thị phần trường hợp cơ chế quản lý tín dụng có sự thay đổi
Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng dự thảo đề xuất loại bỏ cơ chế hạn mức tín dụng từ năm 2026.
Mặc dù SSI cho rằng đây là bước tiến tích cực xét về dài hạn, việc thay đổi này cần đi cùng thay đổi quy định về các tỷ lệ an toàn, đặc biệt trong các khía cạnh như tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo ổn định hệ thống và tránh nguy cơ tăng trưởng nóng như chu kỳ tín dụng trước.
Trên thực tế, NHNN đã ban hành dự thảo thông tư về CAR, cập nhật các quy định mới tại Chuẩn mực Basel III (2017) và đang lấy ý kiến từ các ngân hàng.
Theo SSI, bức tranh thị phần sẽ có sự thay đổi nếu gỡ bỏ cơ chế hạn mức tín dụng theo hướng có lợi cho các ngân hàng có bộ đệm vốn mạnh, do những ngân hàng này có khả năng mở rộng cho vay tốt hơn.
Lãi suất duy trì ổn định
SSI kỳ vọng môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm 2025, nhờ lượng tiền gửi dồi dào của Kho bạc Nhà nước và sự hỗ trợ thanh khoản liên tục từ NHNN. Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý trong trường hợp tăng trưởng tín dụng mạnh hơn, lãi suất có khả năng biến động trong nửa cuối năm 2025 do áp lực từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên, yếu tố mùa vụ thường dẫn đến nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm, gây áp lực lên tỷ lệ LDR và khiến các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh nguồn vốn huy động. Tính đến cuối tháng 5/2025, tỷ lệ LDR thuần của toàn hệ thống vẫn ở mức cao, đạt khoảng 107%.
Thứ hai, tiến độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn có thể dẫn đến việc giảm tiền gửi Kho bạc tại các ngân hàng thương mại, đặc biệt là tại các NHTM Nhà nước, từ đó có thể tạo áp lực nhất định lên thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn.
Cuối cùng, tỷ giá ngoại tệ thường chịu áp lực tăng trong quý 3 và đầu quý 4 trước khi hạ nhiệt vào cuối năm.
Mặc dù vậy, SSI cho rằng môi trường lãi suất sẽ được duy trì ổn định, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Các biến động ngắn hạn có thể xảy ra, nhưng sẽ mang tính cục bộ và đặc thù đối với từng ngân hàng, thay vì mang tính hệ thống hoặc diễn ra trên phạm vi rộng.
NIM sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tín dụng
Từ năm 2024 đến nay, nhu cầu tín dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng và lãi suất cho vay mua nhà duy trì ở mức thấp. Điều này gia tăng cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc tiếp cận và cho vay đối với các dự án tại vị trí đắc địa, dẫn đến chiến lược cạnh tranh lãi suất khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp. SSI cho rằng áp lực cạnh tranh trong phân khúc này vẫn sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi suất tài sản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đầu tư công và sáp nhập các tỉnh được kỳ vọng thúc đẩy hoạt động kinh tế tại các khu vực lân cận, qua đó có thể mở rộng phạm vi của nhu cầu tín dụng vượt ra ngoài lĩnh vực bất động sản. Khi nhu cầu tín dụng hồi phục rõ nét hơn cả ở các lĩnh vực khác, quá trình phục hồi NIM có thể diễn ra rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, SSI cho rằng phần lớn các khoản vay mua nhà sẽ chuyển sang lãi suất thả nổi, qua đó cải thiện lợi suất tài sản, đặc biệt trong năm 2026. Tuy nhiên, không kỳ vọng NIM sẽ quay trở lại mức cao như giai đoạn 2020-2021 do môi trường cạnh tranh hiện nay đã mang tính cấu trúc và gay gắt hơn.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập dự kiến được ưu tiên trong trung và dài hạn
Trong bối cảnh lãi suất huy động cạnh tranh gay gắt khiến NIM thu hẹp và thu nhập lãi thuần chịu áp lực, nhiều ngân hàng đang tích cực mở rộng sang mảng quản lý tài sản nhằm đa dạng hóa nguồn thu ngoài hoạt động tín dụng truyền thống. SSI cho rằng đây có thể trở thành xu hướng phổ biến trong trung hạn. Việc thành lập sàn giao dịch vàng và tiền mã hóa tại Việt Nam nếu được thí điểm trong khuôn khổ Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại TPHCM và Đà Nẵng – có thể đóng vai trò chất xúc tác ban đầu cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh của các ngân hàng trong nước.
Nếu khung pháp lý cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với tài sản số trong khuôn khổ IFC, các ngân hàng có thể từng bước thử nghiệm cung cấp dịch vụ dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Những bước triển khai ban đầu này sẽ giúp các ngân hàng tăng cường nguồn thu từ phí dịch vụ, đồng thời củng cố mối quan hệ với nhóm khách hàng có giá trị tài sản ròng cao – phù hợp với xu hướng toàn cầu, nơi các tổ chức tài chính gia tăng tích hợp nhiều loại tài sản vào danh mục quản lý tài sản.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc mở rộng sang các loại tài sản mới – đặc biệt là tài sản số – đòi hỏi phải nâng cấp tương ứng các hệ thống kiểm soát nội bộ, khung quản trị rủi ro và hệ thống tuân thủ pháp lý. Các rủi ro liên quan đến biến động giá, gian lận, rửa tiền và an ninh mạng cần đặc biệt lưu ý, nhất là trong bối cảnh khung pháp lý còn đang hoàn thiện. Do đó, theo quan điểm của SSI, việc triển khai cần được thực hiện theo từng giai đoạn với sự giám sát chặt chẽ, đặt quản trị rủi ro làm trọng tâm của mọi chương trình thí điểm.
Luật hóa Nghị quyết 42: Bước chuyển mình trong xử lý nợ xấu
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10/2025. Hai điểm sửa đổi quan trọng bao gồm: (1) Luật hóa Nghị quyết 42, trao quyền cho các ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán; (2) Cho phép NHNN cấp khoản vay đặc biệt với lãi suất 0%, không yêu cầu tài sản bảo đảm nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém.
SSI đánh giá đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý và vận hành cho công tác xử lý nợ xấu, với các tác động tích cực sau: Củng cố nền tảng pháp lý cho xử lý nợ xấu, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả thu hồi nợ. Cải thiện quy trình thanh lý tài sản, giúp các ngân hàng đẩy nhanh việc bán tài sản và thu hồi vốn hiệu quả hơn. Đồng thời, giảm chi phí vận hành và tăng khả năng cấp tín dụng với mức lãi suất cạnh tranh hơn.
Trước đây, việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các thủ tục tố tụng kéo dài, có thể mất đến nhiều năm để hoàn tất. Trong thời gian này, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, ngừng ghi nhận lãi dự thu và chịu chi phí vốn liên tục, gây áp lực lớn lên bảng cân đối kế toán. Thách thức này lớn hơn đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ cao, nơi các khoản nợ xấu thường có giá trị nhỏ và phân tán về mặt địa lý.
Điều này làm tăng chi phí vận hành và hạn chế khả năng mở rộng tín dụng hoặc khả năng giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, SSI cho rằng các ngân hàng có tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ cao (như VIB, TPB, OCB, MSB) – vốn xử lý số lượng lớn các khoản vay nhỏ lẻ – sẽ là những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ những thay đổi pháp lý mới.
SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu đạt lần lượt 14% và 16% so với cùng kỳ trong năm 2025 và 2026, được hỗ trợ bởi các yếu tố chính như tăng trưởng tín dụng mạnh (khoảng 17%), NIM ổn định ở mức 3.28%, chi phí tín dụng dần cải thiện (từ 1.04% năm 2025 giảm xuống 0.95% năm 2026).
Mặc dù thuế đối ứng từ Mỹ có thể tạo ra rủi ro tiềm ẩn như gây áp lực giảm lên nhu cầu tín dụng và chất lượng tài sản đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ, thu hẹp NIM do lãi suất cho vay ưu đãi, thu nhập từ phí dịch vụ giảm, SSI đánh giá các tác động này có thể kiểm soát được. Việc tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, cùng với khả năng trì hoãn thêm do quá trình đàm phán, mang lại khoảng thời gian “giảm bớt áp lực” cho thị trường. Quan trọng hơn, các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu có dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ ở mức khiêm tốn.
– 16:33 10/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/ssi-research-tai-thiet-bien-loi-nhuan-ngan-hang-tai-cau-truc-thi-truong-trong-nua-cuoi-nam-757-1326881.htm