Làn sóng AI tạo cú hích cho cuộc đua startup nghìn tỷ USD
Giới đầu tư công nghệ toàn cầu đang chứng kiến một bước ngoặt mới: Thung lũng Silicon có thể sắp tạo ra startup chưa niêm yết đầu tiên đạt mức định giá 1.000 tỷ USD. Động lực chính đứng sau xu hướng này không gì khác ngoài làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) và chiến lược giữ startup lâu hơn trong tay các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC).
Cách đây 2 năm, khi Nvidia lần đầu bước vào câu lạc bộ vốn hóa nghìn tỷ USD, nhiều người đã nghi ngại về mức giá cao ngất của cổ phiếu công ty. Thực tế, những nhà đầu tư mua vào thời điểm đó đã chứng kiến giá trị đầu tư tăng gấp bốn lần. Ngày 9/7 vừa qua, Nvidia lập kỷ lục khi trở thành công ty đầu tiên đạt mức định giá 4.000 tỷ USD.
Không chỉ Nvidia, các công ty như CoreWeave – nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cũng đạt mức tăng trưởng hơn 300% chỉ sau vài tháng niêm yết. Thành công rực rỡ của các ông lớn công nghệ niêm yết đang khiến các VC tại Thung lũng Silicon nóng lòng tìm kiếm “ngôi sao tiếp theo”.
Giới đầu tư không còn đặt câu hỏi “liệu có” mà là “khi nào” startup đầu tiên trị giá 1.000 tỷ USD sẽ xuất hiện. Cơn sốt AI, đặc biệt là AI tạo sinh, đang làm “bùng cháy” thị trường đầu tư. Theo PitchBook, gần 2/3 vốn VC rót vào Mỹ trong nửa đầu năm 2025 đã đổ vào các công ty AI.
Các thuật ngữ như “decacorn” (trên 10 tỷ USD) hay “hectocorn” (trên 100 tỷ USD) đang dần thay thế “kỳ lân” truyền thống. Ví dụ, OpenAI – cha đẻ của ChatGPT hiện được định giá khoảng 300 tỷ USD.
Một báo cáo từ Coatue cho biết có tới 1.300 tỷ USD giá trị hiện đang nằm trong các startup tư nhân được định giá từ 50 tỷ USD trở lên, tăng gấp đôi so với 2 năm trước.
Sự tăng trưởng định giá nhanh chóng được thúc đẩy bởi nguồn vốn dồi dào. Tổng tài sản được quản lý bởi các quỹ VC tại Mỹ trong năm 2024 đã đạt gần 1.300 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2015. Đặc biệt, dòng vốn này chủ yếu chuyển hướng sang các startup AI trưởng thành.
Trong nửa đầu năm 2025, 78% giá trị giao dịch VC rót vào các công ty đã trưởng thành, tăng mạnh so với mức 59% cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài, như các quỹ tài sản quốc gia từ Trung Đông, đang trở thành nguồn vốn thay thế cho quỹ hưu trí và quỹ giáo dục đã rút lui khỏi thị trường VC.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các “ông lớn” như SoftBank cũng không đứng ngoài cuộc. CEO Masayoshi Son tuyên bố sẽ rót tới 32 tỷ USD vào OpenAI trước cuối năm 2025 – con số vượt quá bất kỳ đợt IPO nào trong lịch sử.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm thay đổi chiến lược để săn “siêu kỳ lân”
Khác với trước đây, các VC giờ muốn giữ lại startup lâu hơn, thay vì nhanh chóng IPO để thoái vốn. Điều này phù hợp với mong muốn của nhiều nhà sáng lập, những người muốn tránh áp lực công khai và giám sát từ thị trường.
Tuy nhiên, thanh khoản là thách thức lớn. Để giải bài toán này, các VC đang đẩy mạnh các giao dịch thứ cấp – cho phép nhà đầu tư và nhân viên bán cổ phần mà không cần IPO. Trong quý I/2025, tổng giá trị giao dịch loại này đạt 60 tỷ USD, tăng từ 50 tỷ USD của quý IV/2024. Dù vậy, con số này vẫn quá nhỏ so với thị trường chứng khoán, nơi mỗi ngày 26 tỷ USD cổ phiếu Nvidia được giao dịch.
Một hướng đi khác là nguồn vốn vĩnh viễn. Sequoia Capital đã từ bỏ mô hình quỹ 10 năm từ năm 2021 và chuyển sang mô hình quỹ kết hợp đầu tư vào cả công ty tư nhân lẫn công ty niêm yết. Tương tự, Lightspeed Venture Partners đang sử dụng quỹ tiếp nối để duy trì đầu tư dài hạn.
Các VC hàng đầu như Andreessen Horowitz, Sequoia, Lightspeed, General Catalyst đã mở rộng quy mô lên tới hàng chục tỷ USD, với đội ngũ nhân sự hùng hậu, sẵn sàng theo đuổi các thương vụ lớn.
Ở chiều ngược lại, một số VC trẻ như Thrive Capital (do Josh Kushner sáng lập) và Greenoaks (của Neil Mehta) lại chọn chiến lược tinh gọn: gọi vốn lớn, nhưng chỉ đầu tư vào vài công ty chọn lọc, với niềm tin rằng trong số đó sẽ có ít nhất một startup đạt mức 1.000 tỷ USD. Thrive còn đang thử nghiệm mô hình như private equity, bằng cách mua lại và tái cấu trúc các công ty truyền thống trong lĩnh vực CNTT, kết hợp với công nghệ AI.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư khổng lồ vào các startup chưa có lợi nhuận vẫn đi kèm rủi ro. Các định giá “trên trời” hiện nay có thể trở thành “bong bóng”, giống như hàng loạt “kỳ lân xác sống” từng khiến giới VC lao đao sau giai đoạn bùng nổ của đại dịch.
Nếu dòng vốn ngừng chảy, thị trường có thể đối mặt với một cơn hạn hán đầu tư nghiêm trọng.
Dẫu vậy, trước viễn cảnh phần thưởng nghìn tỷ USD, thật khó để giới đầu tư có thể… nói không với ví tiền.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/startup-nao-se-tao-nen-con-sot-ai-tiep-theo-trong-cuoc-dua-gianh-ky-tich-nghin-ty-usd-toan-cau-1391093.html