Đạt 405 km/h: Thử nghiệm tốc độ cao chưa từng có trên tuyến Erfurt–Leipzig
Trong một đợt thử nghiệm kỹ thuật đặc biệt trên tuyến đường sắt cao tốc giữa Erfurt và Leipzig/Halle, tập đoàn Siemens Mobility phối hợp cùng Deutsche Bahn (DB) đã đưa đoàn tàu thử nghiệm ICE-S đạt vận tốc tối đa 405 km/h. Đây là tốc độ cao nhất từng ghi nhận trên tuyến đường này, vốn được xây dựng theo dự án Vận tải Thống nhất số 8 (VDE 8) và khai thác từ năm 2015.
ICE-S (viết tắt của InterCity Express – dòng tàu cao tốc quốc gia của Đức, với chữ “S” đại diện cho “Special” – phiên bản chuyên thử nghiệm) là tàu đo chuyên dụng, được trang bị hệ thống cảm biến và thiết bị đo lường hiện đại để phục vụ nghiên cứu kỹ thuật.
Thử nghiệm này được tiến hành trên đoạn đường ray đã phục vụ liên tục 10 năm mà không cần cải tạo – một minh chứng cho độ bền hạ tầng và chất lượng đầu tư đường sắt tại Đức. Theo DB, việc tàu có thể đạt tốc độ hơn 400 km/h trên nền tảng hạ tầng hiện có là cơ sở quan trọng để phát triển và nâng cấp các tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai.
“Một ICE đã chạy nhanh hơn bao giờ hết trên tuyến này. Việc chúng tôi có thể đạt tốc độ như vậy sau 10 năm vận hành mà không cần nâng cấp hạ tầng là minh chứng cho đầu tư bền vững”, – ông Philipp Nagl, CEO DB InfraGO AG nhận định.
Mục tiêu chính: Thu thập dữ liệu cho tương lai đường sắt tốc độ cao
Khác với các buổi chạy thử mang tính trình diễn, lần thử nghiệm này tập trung vào việc thu thập dữ liệu kỹ thuật sâu liên quan đến âm học, khí động học, độ ổn định vận hành và tương tác giữa đoàn tàu và đường ray ở vận tốc cực cao.
Ông Thomas Graetz, Phó Chủ tịch mảng Tàu cao tốc & Liên vận của Siemens Mobility, cho biết:
“Chúng tôi muốn hiểu rõ hành vi vận hành, cấu trúc âm học và khí động học ở tốc độ cực đại. Velaro Novo – dòng tàu thử nghiệm lần này – sẽ định nghĩa lại chuẩn mực về hiệu quả, chi phí và sức chứa của tàu cao tốc trong tương lai”.
Được trang bị hàng loạt thiết bị đo lường chính xác, ICE-S đóng vai trò như một phòng thí nghiệm di động phục vụ cho quá trình cải tiến thiết kế đoàn tàu và hệ thống hạ tầng cao tốc. Những dữ liệu này sẽ giúp Siemens tối ưu hóa sản phẩm cho thị trường toàn cầu – trong đó có Việt Nam, nơi tốc độ thiết kế của tuyến Bắc – Nam dự kiến là 350 km/h.
Tàu Velaro Novo: Thế hệ mới với công nghệ tiết kiệm năng lượng
Velaro Novo – mẫu tàu được thử nghiệm lần này – là kết quả nâng cấp qua ba thế hệ Velaro trước đó. Dòng tàu này được Siemens phát triển với các tiêu chí tiết kiệm năng lượng (tiêu hao ít hơn 30%), giảm chi phí bảo trì, tăng 10% sức chứa hành khách và cho phép linh hoạt cấu hình nội thất ngay cả sau nhiều năm vận hành.
Hiện tại, Velaro Novo đang được thử nghiệm trên mạng lưới đường sắt liên vùng của Đức, với tên mã thử nghiệm là #seeitnovo.
Cùng với đó, DB Systemtechnik – đơn vị kỹ thuật thuộc Deutsche Bahn – cho biết các phép đo thu được sẽ được sử dụng để tối ưu hóa hệ thống đường ray, cầu, và hệ thống điện khí hóa, đảm bảo hiệu suất vận hành cao và độ bền theo thời gian.
Siemens muốn tham gia phát triển đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam
Chuyến thử nghiệm tàu ICE-S đạt vận tốc 405 km/h của Siemens được công bố chỉ vài tuần sau cuộc gặp chính thức giữa lãnh đạo tập đoàn và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc), bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 16.
Tại cuộc gặp này, ông Peter Koerte – Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công nghệ và Chiến lược của Siemens – đã khẳng định mong muốn mở rộng hiện diện tại thị trường Việt Nam, với trọng tâm là các dự án hạ tầng quy mô lớn, trong đó nổi bật là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo đại diện Siemens, tập đoàn hiện diện tại Việt Nam từ năm 1993, với ba văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và một nhà máy sản xuất tại tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, việc tham gia vào một dự án mang tính bước ngoặt như tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ đưa vai trò của Siemens tại Việt Nam lên một tầm vóc mới – không chỉ là nhà cung cấp thiết bị, mà còn là đối tác chiến lược về công nghệ và vận hành dài hạn.
Theo quy hoạch được Quốc hội thông qua cuối năm 2024, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ có chiều dài 1.541 km, nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) với ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành, với tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính gần 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển vùng và kết nối liên khu vực trong dài hạn.
Trước đó, Siemens cũng đã thắng thầu cung cấp hệ thống tín hiệu và viễn thông cho tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Ấn Độ (Mumbai – Ahmedabad), trị giá 475 triệu USD. Tại Ai Cập, tập đoàn này đang tham gia dự án đường sắt cao tốc lớn nhất châu Phi, dài hơn 2.000 km.
Với bề dày kinh nghiệm quốc tế, khả năng tích hợp hệ thống từ đầu máy, tín hiệu, điện khí hóa đến bảo trì trọn vòng đời – Siemens nổi lên như một “ứng viên nặng ký” nếu Việt Nam quyết định mở rộng lựa chọn nhà thầu ngoài khối Đông Á.
Tham khảo Siemens
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-duc-nham-lam-duong-sat-cao-toc-bac-nam-vua-chay-thu-tau-voi-toc-do-hiem-thay-tai-que-nha-1389220.html