Siemens mở rộng “đại bản doanh” sản xuất tàu hỏa tại châu Âu
Ngày 8/7 vừa qua, Siemens Mobility đã tổ chức lễ khánh thành tổ hợp nhà máy sản xuất và trung tâm dịch vụ tàu hỏa được mở rộng tại khu công nghiệp Munich-Allach (Đức). Đây được xem là một trong những cơ sở sản xuất và bảo trì tàu hiện đại nhất châu Âu hiện nay, đồng thời trở thành trụ sở chính mới của Siemens Mobility – công ty thành viên chuyên về giao thông của tập đoàn Siemens AG.
Từ năm 2023 đến nay, Siemens đã đầu tư khoảng 250 triệu euro vào dự án này, bao gồm việc xây dựng mới các tòa nhà, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất và tích hợp các giải pháp phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Khu phức hợp có tổng diện tích hơn 100.000 m², giúp nâng công suất sản xuất lên tới 385 đầu máy Vectron và 180 toa xe khách mỗi năm – mức cao nhất từ trước đến nay của Siemens.
Lần đầu tiên, toàn bộ các dòng sản phẩm dựa trên nền tảng Vectron sẽ được sản xuất tại cùng một địa điểm. Song song đó, công suất bảo trì, đại tu tại đây cũng sẽ được nâng lên gấp ba lần, với mục tiêu hoàn thành trung tâm dịch vụ đường sắt mở rộng vào năm 2026. Đáng chú ý, Munich-Allach cũng sẽ trở thành nơi tập trung toàn bộ các hoạt động từ nghiên cứu & phát triển, sản xuất, dịch vụ cho đến quản trị – một phần trong chiến lược ONE Tech Company của Siemens nhằm thúc đẩy đổi mới tích hợp và triển khai giải pháp nhanh hơn cho thị trường toàn cầu.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Michael Peter, CEO Siemens Mobility, nhấn mạnh rằng với những công nghệ như robot, AI, lắp đặt bằng laser và mô hình song sinh kỹ thuật số, Siemens đang “biến kim loại nặng thành trí tuệ nhân tạo nặng”, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn mới cho ngành đường sắt hiện đại.
Mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng
Điểm đáng chú ý là trong khi Siemens công bố bước tiến lớn tại Đức, thì trước đó không lâu, tập đoàn này đã thể hiện mong muốn được tham gia vào các dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam – trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Trung Quốc hôm 25/6.
Tại cuộc gặp, ông Peter Koerte – thành viên hội đồng quản trị, Giám đốc công nghệ và chiến lược của Siemens – bày tỏ mong muốn tham gia các dự án phát triển hạ tầng, nhất là phát triển đường sắt tốc độ cao của Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh Siemens hiện đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, sở hữu ba văn phòng và một nhà máy hoạt động tại đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh mong muốn hợp tác từ phía Siemens, đồng thời cho biết Việt Nam xác định phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược. Chính phủ đang áp dụng nhiều mô hình đầu tư – đặc biệt là hình thức đối tác công – tư (PPP) – nhằm triển khai các dự án giao thông quy mô lớn, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các tuyến kết nối khu vực, quốc tế.
Thủ tướng đề nghị Siemens làm việc cụ thể với các bộ, ngành liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bàn bạc khả năng hợp tác.
Trước đó không lâu, chiều 13/6 tại Hà Nội, ông Peter Koerte cùng đoàn đại diện Siemens cũng có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Hai bên đã trao đổi sâu về các giải pháp chuyển đổi số và phát triển hạ tầng lưới điện thông minh, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với thách thức mới do tốc độ phát triển nhanh của năng lượng tái tạo. Siemens nhấn mạnh vai trò của phần mềm mô phỏng hệ thống điện, tự động hóa và AI trong việc đảm bảo ổn định và hiệu quả vận hành lưới điện.
Đại diện Siemens cũng nhấn mạnh yếu tố nền tảng là hoàn thiện hành lang pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật – điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng một cách bền vững.
Về phía EVN, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao sự hợp tác lâu dài giữa hai bên, đồng thời khẳng định EVN đang tích cực triển khai nhiều đề án trọng điểm theo hướng “xanh – thông minh – số hóa”. Hai bên thống nhất sẽ tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực cùng quan tâm như chuyển đổi số, tích hợp năng lượng tái tạo và nâng cao năng lực vận hành – điều độ hệ thống.
Siemens AG (trụ sở tại Berlin và Munich) là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, giao thông và y tế. Tập đoàn hiện có khoảng 312.000 nhân sự toàn cầu, đạt doanh thu 75,9 tỷ euro trong năm tài khóa 2024.
Siemens Mobility – công ty thành viên hoạt động độc lập – là đơn vị chuyên cung cấp giải pháp giao thông thông minh, từ sản xuất đoàn tàu đến phần mềm vận hành, với hơn 175 năm kinh nghiệm trong ngành và doanh thu năm 2024 đạt 11,4 tỷ euro.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-muon-tham-gia-duong-sat-cao-toc-viet-nam-vua-co-buoc-di-dang-gom-tai-chau-au-1390058.html