Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, nhưng 20 tập đoàn, tổng công ty do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu vẫn đạt kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2025. Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng cả nước ở mức 8,3 – 8,5%, các đơn vị trên vừa được giao nhiệm vụ tăng trưởng cả năm từ 8 – 10%, có trường hợp lên tới 20%.
Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) phấn đấu doanh thu hợp nhất năm 2025 tăng 9% so với năm ngoái. Ảnh: Hoàng Hà
Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, song đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty cho biết, với các giải pháp điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, doanh nghiệp sẽ nỗ lực và tự tin hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho 20 tập đoàn, tổng công ty
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp (DN) do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu ngày 21/7, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, các chỉ tiêu sản lượng chủ yếu của khối DN do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu ước đạt 50-60% kế hoạch năm, trong đó một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng từ 5-15% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, tổng doanh thu ước ước đạt 1,07 triệu tỷ đồng, ước bằng 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, ước bằng 60,9% kế hoạch và bằng 93,1% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước ước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, ước bằng 54,6% kế hoạch và bằng 96,9% so với cùng kỳ.
Về đầu tư phát triển, trong 6 tháng đầu năm, giá trị giải ngân của khối DN do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu đạt trên 93.000 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch năm. Một số dự án lớn, trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn; Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4; Dự án mở rộng kho LNG Thị Vải; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án điện Long Phú 1, điện hạt nhân Ninh Thuận và LNG Quảng Trạch II…
Trên cơ sở rà soát kết quả 6 tháng đầu năm và trao đổi, thống nhất với các DN, ông Phùng Quốc Chí cho biết, Bộ Tài chính đã dự kiến mức tăng trưởng cả năm cho khối DN thuộc Bộ. Cụ thể, có 7 DN đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng trên 10% (gồm SCIC + 20%; EVN + 14%; PVN + 11%; TKV + 10%; VNPT + 10%; Tập đoàn cao su + 10%; VEC + 10%); 13 DN tăng trưởng doanh thu/sản lượng từ 8% đến 10%. Với mục tiêu như vậy, doanh thu quy đổi của 20 DN thuộc Bộ Tài chính năm 2025 ước tính đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10,16%.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu tăng trưởng 11% số lượt hành khách trong năm 2025. Ảnh: Lê Tiên
Giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng cao
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, những tác động kinh tế – chính trị mang tính toàn cầu có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thực tế tại PVN, nhưng kết quả của Tập đoàn vẫn tích cực. Cụ thể, sản xuất tăng trưởng từ 8 – 15,6% so với cùng kỳ năm 2024 và các đơn vị đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng từ 3,4 – 19,3%. Về đầu tư, giá trị thực hiện đầu tư toàn PVN đạt 15,78 nghìn tỷ đồng, tăng 53,9% so với kế hoạch 2024.
Lãnh đạo PVN chia sẻ một số khó khăn trong 6 tháng đầu năm, như sản lượng huy động khí khai thác tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024; sản xuất điện từ khí giảm 21,4% so với cùng kỳ 2024, các lô/mỏ dầu khí khai thác hiện tại đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng từ 10-15%/năm. Tăng trưởng từ các động lực truyền thống đã tới hạn, không thể đóng góp thêm để gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Trong 6 tháng cuối năm, dự báo có thể đối diện với nhiều khó khăn hơn trước, nhưng PVN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, cập nhật các chính sách vĩ mô để điều hành linh hoạt, ứng phó kịp thời; tiếp tục vận hành ở công suất cao, liên tục, ổn định, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong sản xuất tại các nhà máy lọc hóa dầu và các nhà máy điện của PVN. Cùng với đó, PVN sẽ khẩn trương đưa một số dự án đã đầu tư vào vận hành, khai thác, như Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 sẽ đưa vào vận hành thương mại từ tháng 9/2025; Giàn DK-24, Lô 09-1 dự kiến đón dòng dầu thương mại đầu tiên (FO) vào tháng 10/2025…
Theo đó, lãnh đạo PVN cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được giao. Cụ thể, về sản xuất, phấn đấu hoàn thành vượt mức từ 6 – 9% kế hoạch năm; doanh thu hợp nhất PVN phấn đấu tăng trưởng 9%. Về đầu tư, phấn đấu giá trị thực hiện đạt trên 42,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024.
Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch HĐQT cho biết, doanh thu của ACV nửa đầu năm 2025 tăng 12%, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không đạt kết quả khả quan. Trong nửa cuối năm nay, ACV đặt mục tiêu doanh thu tăng trên 10%, tập trung khai thác đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ. ACV kiến nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật số 68/2025/QH15 về Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để ACV hoàn thiện các quy trình quản trị và tài chính nội bộ, nhanh chóng triển khai các kế hoạch đặt ra.
Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (VNA) thì chia sẻ, VNA đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2025 với lượng khách quốc tế đi và đến đạt 22,7 triệu lượt, tăng 12,9% so với cùng kỳ. VNA đặt mục tiêu tăng trưởng 11% số lượt hành khách trong cả năm nay, đồng thời nêu kiến nghị cần tăng cường mạng lưới giao thông kết nối sân bay Long Thành, để khai thác đạt năng suất cao nhất từ năm 2026. Cũng theo lãnh đạo VNA, cần cải thiện các điều kiện cấp thị thực visa để tăng tính cạnh tranh và thu hút khách đến Việt Nam.
Ông Trần Công Hòa, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, VEC đạt doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ. VEC có điểm thuận lợi là vừa được Thủ tướng quyết định tăng vốn điều lệ lên hơn 39,3 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho VEC mở rộng vay vốn đầu tư phát triển các dự án đường cao tốc. Cuối năm nay, dự kiến sẽ khởi công ít nhất 3 dự án, góp phần cải thiện mạng lưới kết nối sân bay Long Thành với TP. HCM.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực của các tập đoàn, tổng công ty đã triển khai kế hoạch được giao trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế còn phức tạp, gây khó khăn và thách thức lớn với DN và nền kinh tế Việt Nam. Theo Bộ trưởng trong 6 tháng đầu năm, điểm tồn tại duy nhất là tiến độ giải ngân còn chậm, mới đạt 40%. Bộ trưởng chỉ đạo các DN cần tiếp tục phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, chủ động đánh giá thị trường để có các giải pháp mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, ứng phó với các rào cản thương mại mới.
Cùng với đó, các tập đoàn, tổng công ty cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa để đẩy mạnh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, vốn từ DN. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng GDP. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ theo dự thảo các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật số 68, xây dựng dần các quy trình nội bộ nhằm kịp thời thực hiện khi Nghị định được ký ban hành.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/tap-doan-tong-cong-ty-no-luc-tang-truong-cao/33953342