Thanh tra Chính phủ vừa công bố kế hoạch thanh tra chuyên đề diện rộng với tổng cộng 898 dự án đầu tư trên cả nước. Mục tiêu chính là làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, các vướng mắc pháp lý, cũng như những dấu hiệu thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Theo kế hoạch, nội dung thanh tra sẽ tập trung vào toàn bộ quá trình triển khai dự án, từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, giao đất, lựa chọn nhà đầu tư đến việc chuyển mục đích sử dụng đất. Kết quả thanh tra sẽ là cơ sở để các cấp có thẩm quyền xử lý, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi những bất cập trong chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và khơi thông nguồn lực đầu tư.
Trong số 898 dự án được đưa vào diện thanh tra, có tới 63% thuộc lĩnh vực bất động sản. Phần còn lại trải đều ở các lĩnh vực hạ tầng giao thông, khu công nghiệp – logistics, công trình công cộng, trụ sở hành chính, nông nghiệp, môi trường và công nghiệp – thương mại.
Thanh tra Chính phủ trực tiếp thực hiện 145 dự án, trong khi các địa phương đảm nhận 750 dự án và 3 dự án còn lại thuộc Thanh tra Bộ Quốc phòng. Tại TP.HCM, số lượng dự án bị thanh tra lên đến 114 – nhiều nhất cả nước. Các địa phương tiếp theo gồm An Giang (92 dự án), Đồng Nai (85), Khánh Hòa (83), Ninh Bình (46), Lâm Đồng (30)…
Ngoài ra, 145 dự án lớn có tổng vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên sẽ được thanh tra bởi các cơ quan thuộc Bộ ngành Trung ương. Danh sách còn có 12 dự án thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Thời gian triển khai bắt đầu từ tháng 7/2025. Kết luận thanh tra phải hoàn tất trước ngày 25/9 đối với Thanh tra Chính phủ và trước ngày 15/9 đối với địa phương. Kết quả tổng hợp sẽ được báo cáo Thủ tướng vào đầu tháng 10/2025.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nằm trong danh sách
Tại Hà Nội, danh sách thanh tra gọ tên nhiều dự án của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, bao gồm: Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm và Vân Canh của HUD; khu đô thị Đặng Xá II của Viglacera (VGC); dự án Usilk City của Sông Đà Thăng Long (STL)…
Tại TP.HCM, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn cũng được đưa vào danh sách, trong đó nổi bật là: 4 tuyến đường chính và cầu Thủ Thiêm 2 của Đại Quang Minh; khu dân cư Investco Green City của Investco (ING); khu nhà ở cao tầng Phú Thuận của Phát Đạt (PDR); dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1A của CII; nhà máy xử lý chất thải rắn của Tasco (HUT)…
Tại An Giang, danh sách bao gồm nhà máy điện mặt trời Sao Mai của Tập đoàn Sao Mai (ASM); nhà máy sản xuất túi xách của TBS An Giang; khu đô thị Núi Sập 1 do TNR Holdings Việt Nam triển khai…
Tại Đồng Nai, nhiều dự án liên quan đến các doanh nghiệp lớn như DIC Corp (DIG), Tín Nghĩa (TID), TTC Land, Long Thành Riverside…
Đoàn thanh tra tại Hà Nội do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì, với 19 thành viên dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục VI. Thời gian thanh tra là 45 ngày, tính từ ngày công bố quyết định. Thời điểm cấp nhật số liệu tới ngày 1/7/2025, trường hợp cần thiết có thể xem xét nội dung liên quan trước hoặc sau đó.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thanh-tra-gan-900-du-an-tren-ca-nuoc-viglacera-phat-dat-tasco-co-ten-1393152.html