Thấy gì từ việc tái cấu trúc của DGT?

Thấy gì từ việc tái cấu trúc của DGT?

Tính tới cuối quý 1/2025, các khoản phải thu ngắn hạn của DGT chiếm đến 73% tổng tài sản hợp nhất; trong đó, nhiều khoản cho cá nhân vay đến hàng trăm tỷ đồng liên tục được gia hạn. Từ đại hội, ban lãnh đạo cho biết đang nỗ lực tái cấu trúc Công ty để tập trung vào hoạt động cốt lõi. Và mới đây, Phó Giám đốc tài chính và đầu tư của DGT rút lui, còn người nhà thoái hết vốn.

Lập công ty con làm bất động sản thương mại

Năm 2025, CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (UPCoM: DGT) lên kế hoạch lập công ty con do Công ty sở hữu 51% để đầu tư dự án tòa nhà thương mại dịch vụ tại khu đất trụ sở văn phòng của Công ty tại số 200 Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (cũ).

Theo nội dung được ghi nhận trong biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2025, lãnh đạo của doanh nghiệp 48 tuổi cho biết, ban điều hành mới đang nỗ lực tái cấu trúc Công ty, dừng hoạt động một số công ty con để giảm chi phí, tập trung vào kinh doanh cốt lõi, xử lý các khoản nợ xấu. Việc đầu tư dự án tại trụ sở Công ty là do có lợi thế vị trí khu đất nên ban lãnh đạo muốn “mời các nhà đầu tư tham gia” để cùng phát triển.

Trụ sở văn phòng của DGT tại số 200 Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (cũ).

Năm 2025, DGT đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 750 tỷ đồng và 9 tỷ đồng, gấp 3 lần và 2 lần năm trước. Dù vậy, trong quý đầu năm, DGT lỗ ròng gần 3 tỷ đồng, doanh thu chưa đầy 46 tỷ đồng – còn rất xa mục tiêu đề ra.

Năm 2022, Công ty tăng vốn điều lệ từ gần 65 tỷ đồng lên 790 tỷ đồng. Những tưởng điều này sẽ tác động tích cực về mặt kinh doanh khi có nguồn vốn dồi dào, nhưng thực tế lại là kết quả lao dốc với khoản lỗ kỷ lục hơn 41 tỷ đồng, cùng với biến động cấu trúc thượng tầng. Giai đoạn sau đó, dù DGT kinh doanh có lãi nhưng không xuất phát từ hoạt động cốt lõi mà từ việc ghi nhận chênh lệch lãi từ “mua rẻ” doanh nghiệp khác, kết chuyển công nợ phải trả lâu năm.

Gánh nặng công nợ

Công nợ chính là vấn đề nhức nhối tại DGT kể từ năm 2022, khi liên tục phình to. Tính tới cuối quý 1/2025, các khoản phải thu ngắn hạn của DGT đã lên tới hơn 1,162 tỷ đồng (trong đó hơn 69 tỷ đồng là dự phòng khó đòi), chiếm đến 73% tổng tài sản.

Khoản phải thu của DGT từ 2021-2024
Lợi nhuận của DGT từ 2021-2024

Trong số này, đáng chú ý là những khoản cho vay với một số cá nhân, lãi suất 0%, không tài sản bảo đảm như bà Nguyễn Ngọc Hà Phương vay 206.4 tỷ đồng và bà Phan Thị Yến vay 110 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có khoản phải thu ông Trương Hiền Vũ gần 522 tỷ đồng, theo hợp đồng hợp tác từ đầu năm 2023 với mục đích tìm kiếm phát triển khu công nghiệp ở vùng Nam Trung bộ. Khoản này tính lãi suất 12%/năm và năm 2024 doanh thu từ cho vay của DGT chỉ ghi nhận có 84 triệu đồng.

Cả 3 khoản cho vay cá nhân liên tục được DGT gia hạn đến cuối năm 2024 rồi đến cuối 2025.

Ngành cốt lõi là xây dựng các công trình giao thông, khai thác đá và kinh doanh vật liệu xây dựng, DGT đang thể hiện tham vọng lấn sân làm dự án bất động sản. Chưa rõ hiệu quả sẽ ra sao, nhưng trước mắt, trong mảng bất động sản, Công ty có khoản chi phí xây dựng dở dang trong thi công dự án khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt từ năm 2020 đến nay đã lên hơn 140 tỷ đồng. Tiến độ gần như giậm chân tại chỗ khi dự án chưa thể bù cát theo kế hoạch vì khan hiếm. Đây vốn là vật liệu thế mạnh của Công ty.

Nỗ lực tái cấu trúc còn thể hiện ở việc DGT quyết tâm giải thể các công ty con. Lãnh đạo Công ty cho hay, việc giải thể là để phù hợp với chiến lược kinh doanh và tình hình thực tế, do đó đề nghị ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định tất cả vấn đề về thủ tục giải thể, tạm ngưng hoạt động công ty con và chi nhánh. Mặc dù các khoản đầu tư, tăng vốn cho công ty con thực hiện trong năm 2022, nhưng từ tháng 8/2024, HĐQT đã lên kế hoạch giải thể, cũng là thời gian đón Chủ tịch mới là ông Phương Thừa Vũ.

Nguồn: BCQT 2024

Tính tới cuối quý 1/2025, DGT đang rót hơn 715 tỷ đồng cho các công ty con, chiếm trên 40% tổng tài sản công ty mẹ. Cũng cần lưu ý thêm là khoảng 1 năm trở lại đây, Công ty đã mạnh tay cắt giảm nhân sự, từ 79 người còn 35 người, tính tới cuối quý 1/2015.

Năm 2022, DGT dùng 325 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để rót vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư DGT.

Sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, đầu tháng 7, HĐQT DGT ra quyết nghị miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Tôn Đức Tùng từ ngày 01/07 theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ông Tôn Đức Nhật, em trai ông Tùng, đã tranh thủ bán toàn bộ 110.5 ngàn cp DGT. Được biết, ông Tùng – người có kinh nghiệm về tài chính kế toán và đầu tư – mới đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính và đầu tư vào giữa tháng 6 năm ngoái.

3 năm qua, HĐQT DGT liên tục thay đổi, đặc biệt là vị trí Chủ tịch lần lượt thay qua các ông Nguyễn Lâm Tùng, Bành Quang Phúc, Phương Thừa Vũ.

Ông Vũ hiện còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (HOSE: TTE), Tổng Giám đốc CTCP Năng lượng Đại Dương.

Thách thức với DGT không nhỏ khi còn phải đối mặt với khoản nợ trái phiếu còn gần 240 tỷ đồng, phát hành từ năm 2022 với tổng mệnh giá ban đầu 350 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Tài sản bảo đảm là 12 triệu cp DGT thuộc sở hữu bên thứ ba và hợp đồng thuê đất, tài sản trên lô đất gần 15.6 ngàn m2 ở phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (cũ) thuộc sở hữu của Công ty. Được trái chủ đồng ý vào tháng 2/2025, DGT gia hạn trả lãi trái phiếu kỳ 9 trong tháng 2/2025 sang chậm nhất vào ngày đáo hạn 23/02/2026 và miễn tính lãi phạt thời gian này.

Thị giá cổ phiếu DGT từ nửa cuối năm 2022 luôn duy trì dưới mệnh giá

Hành trình “kiến hóa voi” của DGT 

Thu Minh

FILI

– 12:00 23/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/thay-gi-tu-viec-tai-cau-truc-cua-dgt-830-1330988.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *