Thị trường hồi phục, doanh nghiệp ngành cá tra “ăn nên làm ra”

Thị trường hồi phục cùng với giá bán tăng cao giúp nhiều doanh nghiệp ngành cá tra lãi lớn trong quý đầu năm.

Thị trường hồi phục, cùng với giá bán tăng cao, nhiều doanh nghiệp ngành cá tra lãi lớn trong quý đầu năm – Ảnh minh họa: Đình Đại.

Kết quả kinh doanh khởi sắc

Trong nhóm các doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất, với mức lợi nhuận tăng gần 8 lần so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu của ANV trong quý đầu năm đạt hơn 1.106 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 132 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 676% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là quý kinh doanh có lãi cao nhất của doanh nghiệp này trong hơn 2 năm qua.

Doanh nghiệp cho biết, sau giai đoạn suy giảm trong các năm trước, quý I/2025, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi dẫn đến sản lượng tăng, cùng với đó là giá bán cũng tăng, nên lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh.

Tại Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), mặc dù doanh thu giảm nhẹ 7,2% so với cùng kỳ, xuống còn gần 2.648 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của “nữ hoàng cá tra” cũng tăng trưởng gần 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 211 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng cho rằng, nguyên nhân của sự tăng trưởng lợi nhuận này đến từ giá bán tăng, cùng với đó là chi phí sản xuất giảm do chi phí nuôi giảm so với cùng kỳ.

Ở nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, Công ty CP Kiên Hùng (HNX: KHS) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong quý đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt hơn 184 tỷ đồng, tăng hơn 29,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 21 tỷ đồng, tăng mạnh 425% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh là do tận dụng tốt nguồn nguyên liệu nhập khẩu giá cạnh tranh và ổn định đầu ra ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ và EU.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (HoSE: IDI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, với doanh thu đạt hơn 1.495 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 29 tỷ đồng, tăng hơn 81% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là nhờ lãi tiền gửi và cổ tức từ công ty liên kết.

Một doanh nghiệp trong ngành khác là Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) cũng ghi nhận doanh thu tăng 34% so với cùng kỳ, lên gần 164 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi, lên hơn 22 tỷ đồng. Kết quả này đến từ sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng.

Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng

Kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp ngành cá tra trong quý đầu năm phản ánh cùng chiều với bối cảnh tăng trưởng chung của toàn ngành.

Theo số liệu từ VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong quý I/2025 của Việt Nam ước đạt hơn 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam cũng tăng trưởng tích cực: Mỹ (+6%), EU (+16%), Brazil (+73%), Thái Lan (+22%).

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của thị trường Trung Quốc giảm -6%. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu đến từ đà tăng của giá bán bình quân tại thị trường chính như Mỹ và Trung Quốc, sản lượng ghi nhận tăng nhẹ tại thị trường Mỹ và EU, nhưng giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc.

Dự báo từ VASEP và các chuyên gia ngành thủy sản cho thấy, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, với kỳ vọng đạt khoảng 2 tỷ USD, tương đương mức của năm 2024. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch, cùng với nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn protein giá rẻ như cá tra, là yếu tố thuận lợi.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (ATIGA) đang hỗ trợ cá tra Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường như Thái Lan, Mexico và Brazil.

Theo nhận định của Chứng khoán VCBS, giá cá tra tại thị trường Mỹ dự báo duy trì ở mức cao do các nhà nhập khẩu đang tích cực nhập khẩu cá tra trong 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng. Bên cạnh đó, giá cá tra giống đang tăng do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường vẫn khá sôi động do lo ngại thiếu hụt nguồn cung cá thịt.

Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi đang leo thang do tác động của chính sách thuế quan toàn cầu khiến chi phí đầu vào dự kiến tăng. Với tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, Trung Quốc tăng nhập khẩu đậu nành từ Brazil và Argentina khiến giá nguyên liệu này tăng mạnh, gây áp lực lên chuỗi cung ứng thức ăn thuỷ sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, bột đậu nành và bột cá nhập khẩu, hai thành phần chính trong thức ăn cá tra đang bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng 25 – 30% do xung đột địa chính trị và tắc nghẽn logistics quốc tế.

Giá cước đã tăng khoảng 23% trong tháng 4 do ảnh hưởng từ việc tạm hoãn áp thuế đối ứng, nhu cầu vận tải tăng đột biến.

Đối với thị trường Trung Quốc, giá cá dự báo sẽ duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, giá cá tra sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc hiện đang khá biến động.

Đình Đại-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/thi-truong-hoi-phuc-doanh-nghiep-nganh-ca-tra-an-nen-lam-ra/32558286

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *