Thị trường tài chính 24h: Điều chỉnh chiến lược tỷ giá linh hoạt là một bước đi cần thiết

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 26/3 tăng 600.000 đồng/lượng chiều mua và 300.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 96,70 – 98,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 8,2 USD lên 3.019,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đã dần hồi phục và trở lại ngưỡng trên 3.030 USD, trước khi lùi nhẹ về 3.020 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,22 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.851 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.410 – 25.770 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ hơn 88.000 USD xuống 87.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã giằng co nhẹ trước khi bật lên trở lại ngưỡng 88.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,28 USD (+0,41%), lên 69,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng tăng 0,29 USD (+0,40%), lên 73,31 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 5 điểm

Thị trường mở cửa khá tích cực khi VN-Index tiến dần nhích dần tới ngưỡng 1.340 điểm, nhưng ngưỡng kháng cự mạnh này khiến sự thận trọng gia tăng và xuất hiện áp lực chốt lời, trong khi bên mua không dám mạnh dạn xuống tiền khiến chỉ số lùi về dưới tham chiếu.

Sau giờ nghỉ trưa, sự hồi phục của bộ đôi cổ phiếu Vin, cùng một vài mã đơn lẻ giúp VN-Index trở lại sắc xanh. Tuy nhiên, lực cung lại gia tăng ở nhóm VN30, đáng kể tại FPT, cùng một số cổ phiếu ngân hàng lớn đã đẩy VN-Index quay đầu giảm điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 26/3: VN-Index giảm 5,83 điểm (-0,44%), xuống 1.326,09 điểm; HNX-Index giảm 3,23 điểm (-1,32%), xuống 241,33 điểm; UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,32%), xuống 98,85 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên thứ Ba (25/3) khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá dữ liệu tâm lý người tiêu dùng, nhưng cũng đã có kỳ vọng lớn hơn vào lập trường chính sách thương mại linh hoạt hơn từ chính quyền Trump vào tuần tới.

Trong một thông báo mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mức thuế quan đối với ô tô sẽ sớm được áp dụng vào ngày 2/4 tới đây, nhưng đồng thời cũng gợi ý rằng một số quốc gia có thể được miễn trừ áp dụng.

Dữ liệu mới được công bố cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống 92,9 điểm trong tháng 3, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Kết thúc phiên 25/3: Chỉ số Dow Jones tăng 4,18 điểm (+0,01%), lên 42.587,50 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,08 điểm (+0,16%), lên 5.776,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 83,26 điểm (+0,46%), lên 18.271,86 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tiếp cận thuế quan linh hoạt hơn dự đoán trước đó.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,65% lên 38.027,29 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,55% lên 2.812,89 điểm.

Hướng đi của thị trường phụ thuộc vào chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng chiến lược gia Masayuki Kubota của Rakuten Securities cho biết, ông hy vọng chính quyền Trump sẽ có cách tiếp cận thận trọng hơn để tránh suy thoái trong nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

“Có thể sẽ có một số cú sốc trên thị trường khi các thông báo khác nhau về thuế quan từ Mỹ được đưa ra vào tháng Tư, nhưng tôi nghĩ rằng đó sẽ là cơ hội mua tốt”, ông nói.

Chứng khoán Trung Quốc có thêm một phiên giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu khi sự thận trọng vẫn chiếm lĩnh thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,04% xuống 3.368,70 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,33% xuống 3.919,36 điểm.

S&P Global Ratings gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Trung Quốc xuống 4,1%, giảm từ 4,8% trong năm trước, với những cảnh báo rằng các biện pháp kích thích kinh tế có thể không đủ để bù đắp tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được thúc đẩy nhờ đà tăng của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,58% lên 23.478,99 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,43% lên 8.653,23 điểm.

Cổ phiếu BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, đã tăng 1,7%, sau khi báo cáo vào thứ Hai rằng doanh thu năm 2024 đã lần đầu tiên vượt qua Tesla.

Đáng kể khác là nhà sản xuất xe điện (EV) Nio của Trung Quốc đại lục tăng nhẹ, sau khi Giám đốc điều hành William Li cho biết rằng công ty dự kiến sẽ hòa vốn trong quý IV năm nay.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh và chạm mức cao nhất trong hơn một tháng, khi các nhà sản xuất chip và pin tăng nhờ hy vọng cải thiện triển vọng của ngành.

Đóng cửa, chỉ số chuẩn KOSPI tăng 28,13 điểm, tương đương 1,08%, lên 2.643,94 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 24/2.

“Cổ phiếu chip và pin tăng do sự lạc quan xung quanh chu kỳ chi phí đầu tư toàn cầu giảm xuống”, Woo Ji-yeon, nhà phân tích tại DS Investment Securities cho biết.

Theo đó, Nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 2,68% và SK Hynix tăng 2,88%.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 7,0% ghi nhận phiên tăng tốt nhất kể từ đầu tháng 11/2023, cổ phiếu Samsung SDI tăng 3,22%, trong khi nhà sản xuất vật liệu pin LG Chem tăng 4,82%.

Kết thúc phiên 26/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 246,75 điểm (+0,65%), lên 38.027,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,28 điểm (-0,04%), xuống 3.368,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 139,07 điểm (+0,60%), lên 23.483,32 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 28,13 điểm (+1,08%), lên 2.643,94 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Duy trì sự linh hoạt tỷ giá để đảm bảo cán cân vĩ mô

Chấp nhận mức biến động tỷ giá trong một phạm vi kiểm soát sẽ giúp duy trì cung tiền ổn định, thay vì khiến nguồn tiền bị rút khỏi nền kinh tế do các biện pháp can thiệp ngoại hối. Do đó, trong năm 2025, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chiến lược tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn là một bước đi cần thiết để phù hợp với bối cảnh kinh tế..>> Chi tiết

– “Cổ đất” không nóng theo thông tin sốt đất

Giá cổ phiếu bất động sản cuối tuần qua có diễn biến giảm nhẹ, trái ngược với những thông tin “sốt” đất đang diễn ra trên thực tế..>> Chi tiết

– Tìm “câu chuyện” mùa đại hội

Ngoài kế hoạch kinh doanh, chính sách cổ tức, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, các doanh nghiệp có “game” tăng vốn, được hưởng lợi nhờ đầu tư công, phục hồi từ đáy… đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư..>> Chi tiết

– Mỹ đưa loạt công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế xuất khẩu

Hôm thứ Ba (25/3), Mỹ đã thêm hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen về hạn chế xuất khẩu trong nỗ lực nhằm giảm khả năng tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán tiên tiến của nước này..>> Chi tiết

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-dieu-chinh-chien-luoc-ty-gia-linh-hoat-la-mot-buoc-di-can-thiet-post366152.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *