Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước giảm mạnh vào cuối ngày

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 15/5 giảm 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 115,50 – 118,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 73,1 USD xuống mức 3.176,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp về 3.120 USD, trước khi bật hồi lên 3.170 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,74 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.970 đồng/USD, giảm nhẹ 3 so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.750 – 26.110 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 103.700 USD lên 103.400 USD, thì sang ngày hôm nay đã có nhịp giảm mạnh và lùi về 101.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,49 USD (-3,94%), xuống 60,66 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,46 USD (-3,72%), xuống 63,63 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ

Sau phiên sáng giảm điểm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều với điểm nhấn tiếp tục là nhóm cổ phiếu ngân hàng với tâm điểm SHB khi có lúc đã chạm giá trần, khớp lệnh vượt trội.

Mặc dù vậy, sự thận trọng nhất định vẫn đeo bám thị trường do đây là phiên đáo hạn phái sinh và thị trường đã tăng mạnh hơn 40 điểm trong ba phiên gần nhất, qua đó, VN-Index không thể tiến xa hơn, mà giằng co, rung lắc nhẹ ở ngay trên tham chiếu cho đến khi đóng cửa.

Kết thúc phiên giao dịch 15/5: VN-Index tăng 3,47 điểm (+0,26%), lên 1.313,2 điểm; HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,18%), lên 219,28 điểm; UpCoM-Index tăng 0,65 điểm (+0,69%), lên 95,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Tư (14/5), khi các nhà đầu tư theo dõi diễn biến chuyến công du của Donald Trump đến các quốc gia vùng Vịnh, cũng như chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Fed vào ngày mai.

Kết thúc phiên 14/5: Chỉ số Dow Jones giảm 89,37 điểm (-0,21%), xuống 42.051,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,03 điểm (+0,10%), lên 5.892,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 136,72 điểm (+0,72%), lên 19.146,81 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp, khi đồng yên mạnh lên đã khiến cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô trượt dốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,98% xuống 37.551,51 điểm. Topix giảm 0,88% xuống 2.73896 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 cho đến ngày thứ Ba vừa qua đã tăng 25% từ mức đáy ngày 7/4, nhờ do sự lạc quan xung quanh một loạt các thỏa thuận thương mại của Mỹ đối với các đối tác.

Phương tiện vận tải là nhóm cổ phiếu hoạt động kém nhất do đồng yên mạnh lên với Toyota giảm 3,3%, trong khi Honda và Nissan đều mất 3,9%.

Các nhà xuất khẩu điện tử cũng yếu đi, với Sony mất 2,8% và Nintendo giảm 2,2%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm sau ba ngày tăng liên tiếp, khi các nhà đầu tư tìm kiếm hướng mới, đi trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã có tín hiệu hạ nhiệt.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,68% xuống 3.38082 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,91% xuống 3.907,20 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông giằng co và đóng cửa giảm nhẹ, khi giới đầu tư chuẩn bị đón nhận kết quả kinh doanh từ nhiều công ty lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,79% xuống 23.453,16 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,97% xuống 8.50967 điểm.

Gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com mất 4,4% sau phiên tăng mạnh hôm qua, trong khi Tencent giảm 0,2% sau khi doanh thu quý đầu tiên vượt qua ước tính của các nhà phân tích, nhưng lợi nhuận không đạt được như dự báo.

Trong khi đó, Alibaba Group Holding đã giảm 1,2%, trước khi công bố kết quả kinh doanh vào cuối ngày.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư gia tăng áp lực chốt sau đợt hồi phục gần đây.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 19,21 điểm, tương đương 0,73% xuống 2.621,36 điểm.

Kết thúc phiên 15/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 372,62 điểm (-0,98%), xuống 37.755,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải 23,13 điểm (-0,68%), xuống 3.380,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 187,49 điểm (-0,79%), xuống 23.453,16 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 19,21 điểm (-0,73%), xuống 2.621,36 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Ngân hàng nỗ lực tăng vốn

Các ngân hàng đang trong xu hướng nâng cấp tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel III nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và một trong những yêu cầu quan trọng là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn..>> Chi tiết

– Chi phí huy động vốn: Bài toán cân não

Cấu trúc huy động vốn chủ, vốn nợ hiệu quả luôn là bài toán cân não với nhiều doanh nghiệp. Riêng việc phát hành cổ phần tăng vốn ở mức giá nào cũng đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng..>> Chi tiết

– Phát triển quỹ ETF bằng các sản phẩm mới

Một trong những giải pháp chính để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài là phát triển các sản phẩm mới..>> Chi tiết

– OPEC hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu

Hôm thứ Tư (14/5), OPEC đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng nguồn cung dầu từ Mỹ và các nhà sản xuất khác bên ngoài OPEC+ trong năm nay và dự kiến ​​chi tiêu vốn sẽ thấp hơn sau khi giá dầu sụt giảm..>> Chi tiết

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-gia-vang-trong-nuoc-giam-manh-vao-cuoi-ngay-post369335.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *