Thị trường tài chính 24h: Một số nhóm ngành được kỳ vọng sẽ trở thành động lực dẫn dắt

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 2/7 không đổi so với ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm chiều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 118,70 – 120,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 35,6 USD lên mức 3.338,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt đôi chút trước khi tìm lại ngưỡng 3.340 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,94 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 25.070 đồng/USD, tăng 12 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.963 – 26.323 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 107.500 USD xuống 106.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã có lúc giảm tiếp về 105.400 USD, trước khi bật tăng mạnh vào cuối ngày lên 107.500 USD/BTC.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,47 USD (+0,72%), lên 65,92 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,54 USD (+0,80%), lên 67,65 USD/thùng.

VN-Index lên trên 1.380 điểm

Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến nhóm cổ phiếu lớn phân hóa, thị trường theo đó giằng co trong biên độ hẹp và tạm nghỉ phiên sáng với sắc xanh nhạt.

Bước vào phiên chiều, thị trường bất ngờ phát tín hiệu bứt lên, bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, với VIX, HCM, FTS CTS tăng kịch trần và lan tỏa giúp VN-Index vượt qua 1.380 điểm khi đóng cửa.

Kết thúc phiên giao dịch 2/7: VN-Index tăng 6,75 điểm (+0,49%), lên 1.384,59 điểm; HNX-Index tăng 3,17 điểm (+1,39%), lên 231,62 điểm; UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,11%), xuống 100,61 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán MỸ trái chiều trong phiên thứ Hai (1/7), khi giới đầu tư thận trọng đánh giá diễn biến mới nhất với dự luật thuế và chi tiêu khổng lồ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như các nhận định từ chủ tịch Fed.

Dự luật chi tiêu và giảm thuế của ông Trump đã được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu 51-50.

Trong một động thái đáng chú ý, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có phát biểu rằng Fed có khả năng sẽ hạ lãi suất một lần nữa vào thời điểm này nếu không có thuế quan.

Kết thúc phiên 1/7: Chỉ số Dow Jones tăng 400,17 điểm (+0,91%), lên 44.494,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,94 điểm (-0,11%), xuống 6.198,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 166,85 điểm (-0,82%), xuống 20,202,89 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, phản ứng với sự không chắc chắn về diễn biến thuế quan thương mại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,56% xuống 39.762,48 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,21% xuống 2.826,04 điểm.

Các nhà đầu tư hiện sẽ tập trung theo dõi các cuộc bầu cử thượng viện dự kiến diễn ra vào ngày 20/7 và triển vọng về một thỏa thuận thương mại với Mỹ, điều mà Tổng thống Donald Trump đã chỉ ra có thể không xảy ra trước thời hạn 9/7.

Tokyo đã cố gắng thuyết phục Mỹ loại bỏ mức thuế 25% đối với ô tô Nhật Bản và thuế đối ứng 24% đối với các mặt hàng nhập khẩu khác. Thuế quan đối ứng đã bị tạm dừng cho đến ngày 9/7, nhưng Nhật Bản vẫn chưa đảm bảo được thỏa thuận thương mại sau gần ba tháng đàm phán.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ khi tâm lý thận trọng hơn trong vấn đề thuế quan thương mại.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,09% xuống 3.454,79 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,02% lên 3.943,68 điểm.

Sự thận trọng chiếm ưu thế trên thị trường, khi các nhà đầu tư chờ đợi các tiến triển đàm phán thương mại, sau khi ông Trump cho biết ông không xem xét gia hạn sau ngày 9/7 để các quốc gia có thể có các thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi các quỹ đầu tư đại lục đổ nhiều tiền hơn vào thị trường thành phố với, nhờ lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao và kiềm chế sự cạnh tranh giá cả quá mức tại một số ngành.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,62% lên 24.221,41 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,54% lên 8.724,90 điểm.

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông và Bloomberg, lượng mua cổ phiếu Hồng Kông của Trung Quốc đại lục đạt 731,2 tỷ đô la Hồng Kông (93 tỷ USD Mỹ) trong nửa đầu năm, tương đương 90% của năm ngoái.

Trong khi đó, tại một cuộc họp cấp cao do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, Trung Quốc đã cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc thúc đẩy thị trường, và hạn chế tình trạng cạnh tranh giá cả quá mức, cũng như đảm bảo việc mua sắm công bằng của nhà nước, Tân Hoa Xã đưa tin.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây thêm áp lực để các thỏa thuận thương mại được hoàn tất trước thời hạn thuế quan ngày 9/7.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 14,59 điểm, tương đương 0,47% xuống 3.075,06 điểm.

Trong những phát biểu mới nhất, ông Donald Trump đã bày tỏ sự thất vọng với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật hôm thứ Hai, trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cảnh báo rằng các quốc gia khác có thể chịu mức thuế cao hơn khi thời hạn ngày 9/7 đến gần.

Kết thúc phiên 2/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 223,85 điểm (-0,56%), xuống 39.762,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,95 điểm (-0,09%), xuống 3.454,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 149,13 điểm (+0,62%), lên 24.221,41 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,59 điểm (-0,47%), xuống 3.075,06 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Thị trường bảo hiểm đang ấm dần lên

Hết tháng 5/2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 92.465 tỷ đồng, tăng trưởng gần 5% so với cùng kỳ của năm 2024. Trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 57.277 tỷ đồng, tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ 2024..>> Chi tiết

– Chứng khoán quý III: Ẩn số và kỳ vọng

Bước sang quý III/2025, thị trường chứng khoán đứng trước những ẩn số lớn về thuế quan, lãi suất… Nội lực của một số nhóm ngành được kỳ vọng sẽ trở thành động lực dẫn dắt, mở ra các cơ hội đầu tư mới..>> Chi tiết

– Siết tỷ lệ đòn bẩy khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Giảm nguy cơ vỡ nợ, tăng động lực cơ cấu vốn

Việc siết tỷ lệ đòn bẩy của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ ngày 1/7/2025 vừa là chốt chặn quan trọng bảo vệ nhà đầu tư, vừa là động lực để doanh nghiệp tái cơ cấu tài chính..>> Chi tiết

– Chủ tịch Fed: Fed đã có thể cắt giảm lãi suất nếu không có thuế quan

Hôm thứ Ba (1/7), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết rằng ngân hàng trung ương đã có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nếu không có kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump..>> Chi tiết

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-mot-so-nhom-nganh-duoc-ky-vong-se-tro-thanh-dong-luc-dan-dat-post372287.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *