Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những phiên giao dịch sôi động nhất kể từ đầu năm 2025, khi VN-Index bật tăng mạnh mẽ, vượt mốc 1.400 điểm. Tâm điểm chú ý tiếp tục dồn về nhóm cổ phiếu ngân hàng khi chính sách dỡ bỏ hạn mức tín dụng (room tín dụng) hứa hẹn sẽ mở ra giai đoạn tăng trưởng mới. Cùng với các yếu tố vĩ mô thuận lợi, triển vọng của nhóm cổ phiếu vua đang được đánh giá tích cực trong ngắn và trung hạn.
Dòng tiền mạnh và kỳ vọng vĩ mô hỗ trợ nhóm ngân hàng
Tuần giao dịch vừa qua ghi nhận VN-Index tăng gần 5%, với thanh khoản thị trường vượt 1 tỷ USD/ngày. Theo Giám đốc phân tích CTCK Kafi Lương Duy Phước, sự đồng thuận mạnh mẽ giữa dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư là động lực chính giúp chỉ số vượt các vùng cản kỹ thuật. Những lo ngại về thuế quan đã được gỡ bỏ, trong khi kỳ vọng nâng hạng thị trường và kết quả kinh doanh quý 2 tích cực đang tạo ra động lực mới.
Tuy nhiên, theo ông Phước, VN-Index hiện đã tiệm cận vùng giá cao trong ngắn hạn, tiềm ẩn khả năng điều chỉnh kỹ thuật khi nhiều cổ phiếu đã tăng quá nhanh. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động tái cơ cấu danh mục, hướng đến các cổ phiếu nền tảng tốt, thanh khoản cao và chưa tăng nóng.
Ở góc nhìn tương tự, ông Vũ Duy Khánh – Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest (AAS) nhận định, tâm lý thị trường đang được cải thiện mạnh nhờ các tín hiệu tích cực như thỏa thuận thuế quan với Mỹ, JP Morgan khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam và khối ngoại mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế 7,5% và giải ngân đầu tư công tăng 40% so với cùng kỳ cũng là động lực hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên, ông Khánh lưu ý rằng, khi chỉ số tiến sát vùng 1.500 điểm và RSI vượt vùng quá mua, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn là điều cần tính đến. Thời điểm ra báo cáo tài chính thường là lúc xuất hiện các nhịp chốt lời kỹ thuật.
“Cởi trói” cho ngân hàng, tạo sóng cho cổ phiếu
Một yếu tố quan trọng khác đang tác động đến triển vọng cổ phiếu ngân hàng là chính sách điều hành tín dụng mới. Theo Công điện 104/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tiến tới điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường, thay vì áp hạn mức tín dụng như trước. Đây là một bước đi quan trọng được giới phân tích nhận định sẽ “cởi trói” cho hoạt động cấp tín dụng và tạo dư địa tăng trưởng cho các ngân hàng có năng lực quản trị tốt.
Ông Lương Duy Phước cho rằng, việc dỡ bỏ cơ chế room tín dụng sẽ khuyến khích các ngân hàng cải thiện năng lực nội tại, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III. Nhóm ngân hàng có CAR cao, chất lượng tài sản tốt, thanh khoản ổn định sẽ là những bên hưởng lợi lớn. Trong khi đó, các ngân hàng quy mô nhỏ, chưa đạt chuẩn sẽ bị hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng.
Ở chiều tích cực, ông Vũ Duy Khánh đánh giá việc bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng quốc doanh như VCB, BID, CTG đẩy mạnh cho vay, cải thiện thu nhập lãi. Các ngân hàng tư nhân có sản phẩm lãi biên cao như VPB, HDB, TCB cũng sẽ tận dụng được cơ hội này nhờ nền tảng tài chính tốt và CAR cao.
Tuy nhiên, rủi ro đi kèm là nợ xấu có thể gia tăng nếu tín dụng tăng nóng. Ngoài ra, nếu dòng tiền bơm quá mạnh có thể gây áp lực lạm phát, dẫn tới khả năng Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất trở lại, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của hệ thống ngân hàng.
Ưu tiên cổ phiếu có nền tảng và dư địa tăng trưởng
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã tăng mạnh và tiệm cận vùng kháng cự kỹ thuật, các chuyên gia đều khuyến nghị nhà đầu tư nên có chiến lược hợp lý. Ông Lương Duy Phước nhấn mạnh, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục, tránh các mã đã tăng nóng, ưu tiên nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ đầu tư công và cải cách chính sách.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện, nước, dược phẩm hoặc có dòng tiền ổn định cũng là lựa chọn phù hợp trong giai đoạn thị trường có thể điều chỉnh. Điều quan trọng là phải kiểm soát rủi ro và lựa chọn điểm mua hợp lý.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Khánh cho rằng nhóm bất động sản, ngân hàng và chứng khoán vẫn có cơ hội trong nửa cuối năm 2025. Việc tín dụng được nới lỏng và thị trường kỳ vọng nâng hạng sẽ là chất xúc tác giúp các nhóm ngành này bứt phá. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index sẽ là nhóm dẫn dắt nếu dòng tiền tiếp tục duy trì mạnh mẽ.
Tóm lại, việc thị trường tiến sát vùng 1.500 điểm không đồng nghĩa với việc kết thúc xu hướng tăng, mà có thể là bước đệm cho giai đoạn bứt phá mới nếu các yếu tố hỗ trợ như nâng hạng thị trường, chính sách tiền tệ và dòng vốn ngoại tiếp tục duy trì tích cực. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhờ vào các cải cách điều hành tín dụng và nền tảng nội tại, sẽ tiếp tục là “đầu tàu” dẫn sóng thị trường.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tien-gan-vung-dinh-nhom-co-phieu-vua-van-duoc-ky-vong-dan-song-1390667.html