Sau năm tái cấu trúc chuyển hướng cho vay số, VietCredit báo lãi đột biến nửa đầu năm. Doanh nghiệp dự kiến kết quả kinh doanh sẽ trở lại mức bình thường từ 2026.
VietCredit báo lãi kỷ lục hậu tái cấu trúc. Nguồn:
Lợi nhuận đột biến quý II
Theo BCTC quý II vừa công bố, Công ty Tài chính tổng hợp cổ phần Tín Việt – VietCredit (mã: TIN) ghi nhận thu nhập tiền lãi thuần và lợi nhuận đạt kỷ lục từ khi niêm yết.
Cụ thể, VietCredit đạt thu nhập tiền lãi thuần đột biến 640,6 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, kết quả này đến từ việc hoàn tất tái cấu trúc mô hình kinh doanh, chuyển dịch trọng tâm sang các sản phẩm cho vay số hóa (digital lending). Dư nợ từ cho vay số đến cuối kỳ đạt gần 5.000 tỷ đồng, thu nhập lãi xấp xỉ 800 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm từ mức 112 tỷ xuống 93,6 tỷ đồng nhờ tinh gọn bộ máy, tái cấu trúc mô hình tổ chức phù hợp với mô hình số hóa. Trong năm 2024, doanh nghiệp đã có đợt cắt giảm nhân sự rất mạnh từ 1.327 người xuống 181 người. Sang nửa đầu năm nay, số lượng nhân sự mới tăng lên lại 298 người.
Mặt dù thu nhập lãi tăng cao nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm từ 191,4 tỷ đồng xuống 153,1 tỷ đồng. Nguyên nhân nhờ nợ nhóm 4 giảm từ 194 tỷ xuống 109 tỷ đồng, nợ nhóm 5 giảm từ 105 tỷ xuống 48 tỷ và nợ xấu từ khoản vay số duy trì mức thấp.
Ở chiều tác động khiến lợi nhuận ròng giảm, VietCredit báo cáo hoạt động dịch vụ tăng lỗ mạnh từ 57 tỷ lên 126 tỷ. Công ty lý giải doanh thu phí từ sản phẩm thẻ giảm do dừng bán mới thẻ tín dụng trên các kênh bán hàng offline truyền thống đổi sang kênh bán hàng online. Chi phí dịch vụ digital lending (cho vay kỹ thuật số) phát sinh lớn, đặc biệt chi phí vận hành và thu hộ qua đối tác.
Mặt khác, hoạt động khác tăng lỗ từ 1,8 tỷ lên 26,4 tỷ đồng do hợp tác xử lý từ tài sản gán nợ, các khoản khấu hao/chi phí vận hành đặc thù chuyển đổi số.
Với các yếu tố tác động trên, VietCredit đạt lãi 209 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số lỗ 192 tỷ cùng kỳ năm trước – quý thứ 3 có lãi sau đợt tái cấu trúc chuyển hướng sang kênh cho vay số. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 285 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 185 tỷ đồng.
Trước diễn biến kết quả kinh doanh đạt kỷ lục, cổ phiếu TIN của VietCredit đã có đợt tăng giá rất mạnh, liên tục phá đỉnh lịch sử trong 6 tháng đầu năm, từ vùng 12.200 đồng/cp lên 54.400 đồng/cp và mới chuyển sang trạng thái đi ngang vào tháng 7.
Diễn biến cổ phiếu
VICEM chuẩn bị thoái vốn
VietCredit đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2026 – 2030, cùng chủ trương bán tàu.
HĐQT doanh nghiệp cho biết việc xây dựng kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2026 – 2030 được thực hiện theo yêu cầu của cổ đông lớn – Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đang sở hữu 11,01% vốn để phục vụ công tác thoái vốn của VICEM tại VietCredit theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, trong giai đoạn 2025 – 2030, doanh nghiệp giả định tăng trưởng tín dụng đột biến năm 2025 (hậu tái cấu trúc) khi đạt 84,9% và các năm sau đó trở lại mức bình thường 3%. Lãi suất cho vay bình quân 31,4% đến 33,2%, lãi suất huy động bình quân 8% đến 8,5% và tỷ lệ nợ xấu (gồm VAMC) duy trì quanh 8,1% – 8,5%.
Theo đó, sau năm 2025 đột biến thì tổng doanh thu cũng trở lại mức bình thường các năm sau đó với mức tăng nhẹ 1% đến 3% mỗi năm, từ 2.896 tỷ năm 2025 lên 3.424 tỷ năm 2030. Lợi nhuận trước thuế từ 300 tỷ lên 363 tỷ đồng.
Nguồn: VietCredit
Công ty chuyển dịch từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh số hóa nên danh mục thẻ tín dụng truyền thống cũng được thu hẹp dần, tập trung vào sản phẩm số. Khi đó, sản phẩm cho vay kỹ thuật số TINVAY trở thành trọng tâm chiến lược. Sản phẩm TINVAY được thiết kế với kỳ hạn ngắn, cơ cấu thanh toán gồm gốc, lãi và phí được thu đồng thời hàng tháng để giúp doanh nghiệp tối ưu dòng tiền thu về và chủ động tái sử dụng cho hoạt động giải ngân tái tục. Song song đó, công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành, nâng cao khả năng quản trị rủi ro và hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.
Trong đợt lấy ý kiến cổ đông lần này, HĐQT VietCredit trình phương án bán tàu CFC 05 – tàu thu hồi từ Công ty TNHH Tiến Thành vào năm 2013.
Tàu CFC 05 bắt đầu đóng từ 2008 nhưng đến nay chưa thể hoàn thiện. Tàu neo đậu tại xưởng Công ty cổ phần An Đồng – thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, neo đậu không che chắn, không phương pháp bảo quản.
Cùng với giá trị chuyển giao và các chi phí liên quan, VietCredit đã góp 51,6 tỷ vào tàu CFC 05. Song, định giá tàu tại ngày 20/3/2025 của Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn thẩm định giá Việt Nam là gần 7,2 tỷ đồng – chưa bao gồm VAT.
Để đảm bảo lợi ích cao nhất, HĐQT VietCredit đề nghị bán tàu với giá khởi điểm bằng 150% giá trị định giá, tức 11,8 tỷ đồng (đã bao gồm VAT).
Báo cáo của VietCredit cho thấy đang có 4 tài sản gán nợ là 4 tàu CFC 01, CFC 02, CFC 04, CFC 05; riêng tàu CFC 05 trong quá trình hoàn thiện, chưa đưa vào khai thác và sử dụng. Tổng giá trị gán nợ 181 tỷ nhưng giá trị ghi sổ đến 30/6/2025 là 65,2 tỷ đồng.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/tin-co-phieu-vietcredit-len-dinh-vicem-chuan-bi-thoai-von/34040354