Tin vui dồn dập đến với Hòa Phát nhưng vẫn có một biến số từ HRC nhập khẩu

HRC lập đỉnh bán hàng, Hòa Phát đẩy mạnh hoàn thiện lò cao số 6

Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi và chính sách bảo hộ trong nước bắt đầu có hiệu lực, Tập đoàn Hòa Phát dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đang ghi nhận loạt tín hiệu tích cực về sản xuất và tiêu thụ thép, đặc biệt là sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC).

Hoà Phát
Thuế CBPG với HRC Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7, hỗ trợ thép nội địa nhưng vẫn còn một khoảng trống lớn chưa được điều chỉnh

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh quý 2/2025, Hòa Phát đã sản xuất tổng cộng 2,5 triệu tấn thép thô, giữ nguyên so với quý trước nhưng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng thép bán ra, bao gồm HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép, đạt 2,6 triệu tấn, tăng lần lượt 9% so với quý 1/2025 nhưng tăng tới 18% so với cùng kỳ năm 2025.

Trong đó, riêng sản phẩm HRC ghi nhận sản lượng tiêu thụ vượt 1,1 triệu tấn, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng 18% so với quý 1. Thép xây dựng và thép chất lượng cao đạt 1,3 triệu tấn, tăng 7% theo quý.

Các sản phẩm hạ nguồn từ HRC như tôn mạ và ống thép cũng cho thấy sức tiêu thụ mạnh mẽ, với sản lượng lần lượt 110.000 tấn và 216.000 tấn trong quý 2, tăng rõ rệt so với quý đầu năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn sản xuất 5,1 triệu tấn thép thô, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán ra đạt 5 triệu tấn, tăng tới 23%, trong đó HRC đóng góp 2,2 triệu tấn (tăng 42%) và thép xây dựng, thép chất lượng cao chiếm 2,5 triệu tấn (tăng 11%).

Với thị phần 38% trong mảng thép xây dựng, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu toàn quốc. Hiện tại, tập đoàn đang tập trung hoàn thiện lò cao số 6 – hạng mục then chốt trong phân kỳ 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2. Mục tiêu là vận hành chính thức vào tháng 9 tới, nâng tổng công suất lên 16 triệu tấn/năm, trong đó HRC chiếm hơn 8,5 triệu tấn – đủ để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thị trường nội địa.

Áp thuế CBPG với HRC Trung Quốc: Hòa Phát hưởng lợi nhưng vẫn có một mối lo

Một động lực khác hỗ trợ ngành thép nội địa đến từ chính sách thương mại: ngày 4/7/2025, Bộ Công Thương đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) từ 23,1% đến 27,8% với các sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định có hiệu lực từ ngày 6/7 và kéo dài 5 năm.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo vùng đệm cho các nhà sản xuất trong nước như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, phạm vi áp thuế chưa bao trùm toàn bộ HRC. Cụ thể, các sản phẩm thép cán nóng khổ rộng từ 1.900mm trở lên vẫn nằm ngoài danh mục bị đánh thuế.

Theo số liệu hải quan, khối lượng HRC khổ rộng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng vọt. Chỉ riêng trong tháng 5/2025, Việt Nam nhập 181.000 tấn loại thép này, gấp hơn 25 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu lên tới 430.000 tấn, cao gấp 12 lần năm ngoái, trong đó thép khổ 2.000mm chiếm tới 86,7%.

Các loại HRC khổ rộng nhập khẩu thường là mác thép phổ thông như Q235B, Q355B, SS400, SAE 1006… được sử dụng cho nhiều mục đích gia công thông thường như làm tôn, ống thép, kết cấu. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcap, xu hướng nhập khẩu tăng đột biến ở phân khúc này có thể gây áp lực nhất định lên Hòa Phát trong ngắn hạn, cho tới khi chính sách thuế được mở rộng sang cả HRC khổ rộng.

Kinh tế vĩ mô tạo đà thuận lợi, Hòa Phát sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lớn từ đầu tư công và xuất khẩu

Bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2025 đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành thép trong nước. Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình hạ tầng trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cùng loạt dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM. Đây đều là những dự án có nhu cầu sử dụng thép xây dựng và thép công nghiệp ở quy mô lớn, trải dài theo thời gian.

Với hệ sinh thái sản xuất – phân phối trải rộng trên cả nước, Hòa Phát được đánh giá cao về năng lực cung ứng linh hoạt, nhanh chóng và ổn định cho các dự án trọng điểm. Lợi thế này không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu trong nước mà còn củng cố vai trò đầu tàu ngành thép.

Trên thị trường quốc tế, giá thép – đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC) – đã phục hồi mạnh kể từ đáy năm 2023, phản ánh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang khởi sắc trở lại. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Đông Nam Á, châu Đại Dương và khu vực Nam Á cũng cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực về nhập khẩu thép, mở rộng thêm dư địa tiêu thụ cho các nhà sản xuất nội địa như Hòa Phát.

Cổ phiếu HPG vượt đỉnh 3 năm, tài sản ông Trần Đình Long tăng mạnh

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 11/7/2025, cổ phiếu HPG tăng mạnh, đóng cửa ở mức 26.000 đồng/cp, theo đó mã này đã trở lại vùng giá trước thời điểm chia cổ tức bằng cổ phiếu và là mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Nhờ mức giá này, vốn hóa thị trường của Hòa Phát tiệm cận 200.000 tỷ đồng. Tài sản của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long hiện tương đương 51.480 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), dựa trên lượng sở hữu 1,98 tỷ cổ phiếu HPG (25,89% vốn điều lệ).

Tính cả phần nắm giữ của vợ và con trai, tổng giá trị tài sản gia đình ông Long trên sàn chứng khoán hiện đã xấp xỉ 70.000 tỷ đồng, duy trì vị thế của một trong những gia đình giàu có nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tin-vui-don-dap-den-voi-hoa-phat-nhung-van-co-mot-bien-so-tu-hrc-nhap-khau-1390665.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *