Doanh thu tháng 4/2025 tăng mạnh và mang đến một số tín hiệu tích cực cho Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG), nhưng không đủ để đảo ngược bức tranh ảm đạm của quý I. Trong khi thị trường trong nước đang dần bão hòa, hàng giá rẻ từ Trung Quốc ngày càng lấn lướt, thì cổ phiếu TLG tiếp tục mất giá, nhà đầu tư ngoại rút lui, còn ban lãnh đạo vẫn nhận hàng trăm nghìn cổ phiếu ESOP với mức giá ưu đãi.
Hồi phục tháng 4 không đủ kéo lại quý I ảm đạm
Tính đến hết tháng 4/2025, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần lũy kế đạt 1.090 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ 1,1% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu xuất khẩu riêng tháng 4 tăng mạnh 39% lên 111,5 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm trong tháng 1 – 2 khi công ty chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ và hàng tồn kho cao tại các nhà phân phối.
Đáng chú ý, xuất khẩu vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu. Theo báo cáo mới nhất, doanh thu nội địa chiếm hơn 85% tổng doanh thu TLG năm 2024. Như vậy, dù tăng trưởng mạnh trong tháng 4, xuất khẩu vẫn chưa thể đóng vai trò cứu cánh cho toàn bộ hoạt động của công ty.
Thị trường cũng không đánh giá cao đà phục hồi ngắn hạn này. Tính đến ngày 20/6/2025, cổ phiếu TLG giao dịch quanh mức 50.400 đồng/cp – giảm 15,6% so với đầu năm và từng chạm đáy 41.600 đồng vào tháng 4. Từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 6, khối ngoại giảm sở hữu từ 22% xuống còn 15,2%. Quỹ KIM (Hàn Quốc) bán ra 1 triệu cổ phiếu, chính thức rời vị trí cổ đông lớn.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh kém sắc và thị giá cổ phiếu sụt giảm, Thiên Long vẫn tiến hành phát hành 1,3 triệu cổ phiếu ESOP cho lãnh đạo với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp – thấp hơn gần 80% so với vùng giá đầu năm. Chủ tịch Cô Gia Thọ được phân bổ 340.000 cổ phiếu, Tổng Giám đốc Trần Phương Nga nhận 200.000 cp và bà Cô Cẩm Nguyệt – Thành viên HĐQT – nhận 180.000 cp. Động thái này làm dấy lên nhiều nghi vấn trong cộng đồng nhà đầu tư về tính công bằng và thông điệp quản trị trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó.
Thị trường nội địa bão hòa, cạnh tranh từ Trung Quốc ngày càng lớn
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Thiên Long hiện sở hữu hệ sinh thái gồm 5 công ty con trực tiếp (Nam Thiên Long, Thiên Long Hoàn Cầu, Thiên Long Long Thành, Tân Lực Miền Nam, Flexoffice Singapore) và 2 công ty con gián tiếp là Clever World (TP.HCM) và ICCO Marketing tại Malaysia. Công ty cũng có một đơn vị liên kết là Pega Holdings với tỷ lệ sở hữu 40%. Các thương hiệu hiện có ngoài Thiên Long còn bao gồm Bizner, Flexoffice, Colokit và Điểm 10.
Tuy nhiên, bất chấp quy mô hệ sinh thái lớn, TLG vẫn gặp khó trên thị trường trong nước. Lãnh đạo công ty từng thẳng thắn thừa nhận trong các kỳ đại hội cổ đông rằng thị trường văn phòng phẩm nội địa đang dần bão hòa. Không còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi đối thủ từ Trung Quốc ngày càng áp đảo với mẫu mã đa dạng và giá thành rẻ hơn.
Các đơn vị được kỳ vọng như Clever World – chuỗi bán lẻ do TLG tự phát triển – hoạt động chưa hiệu quả, gây thua lỗ và thậm chí đang là gánh nặng của tập đoàn.
Theo thông tin VietnamFinance có được, Clever World do bà Cô Trần Dinh Dinh – con gái Chủ tịch HĐQT Cô Gia Thọ – trực tiếp điều hành, đồng thời là người đại diện pháp luật của công ty. Được thành lập ngày 27/10/2022, hiện đang sở hữu chuỗi cửa hàng CleverBox (kinh doanh văn phòng phẩm, đồ chơi sáng tạo, quà tặng) và thương hiệu PeekToy.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/tlg-thien-long-hoi-phuc-thang-4-khong-du-keo-quy-i-am-dam/33608262