Tổng Giám đốc Gemadept Nguyễn Thanh Bình nói về nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm dự án Cái Mép Hạ
Ông Nguyễn Thanh Bình – Tổng giám đốc CTCP Gemadept (HOSE: GMD) chia sẻ thẳng thắn về tiềm năng cạnh tranh trong ngành cảng biển Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến cảng Cần Giờ ở phía Nam và sự dịch chuyển thị trường tại khu vực phía Bắc.
Tập trung phát triển thế mạnh cốt lõi trong bối cảnh thương chiến
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư do Chứng khoán TPHCM (HSC) tổ chức, trước câu hỏi về khả năng cạnh tranh khi cảng Cần Giờ đi vào vận hành, Tổng Giám đốc Gemadept cho rằng đây là một dự án quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều giới chuyên gia, tuy nhiên Gemadept “không để ý quá nhiều” tới những đe dọa tiềm ẩn từ dự án này. Theo ông, trong bối cảnh địa chính trị và thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động, việc một hãng tàu quốc tế lớn xây dựng cảng trung chuyển mới cạnh tranh trực tiếp với Singapore là điều không dễ dàng.
Ông Bình nhấn mạnh, ngoài các yếu tố kỹ thuật và quy hoạch, cảng Cần Giờ còn đối mặt với những thách thức lớn về tính cần thiết, hiệu quả đầu tư, tác động môi trường và khả năng thực thi. Đặc biệt, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, Chính phủ các nước, trong đó có Singapore, sẽ rất thận trọng trong việc bảo vệ vị thế trung chuyển toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Gemadept chọn cách tập trung phát triển thế mạnh cốt lõi thay vì bị chi phối bởi những dự án chưa hình thành rõ nét.
“Chúng tôi tập trung nguồn lực để phát triển hệ sinh thái logistics phía Nam, lấy Gemalink làm trọng tâm, mở rộng ra Bà Rịa – Vũng Tàu và các khu vực tiềm năng khác. Thay vì lo lắng về Cần Giờ, Gemadept tập trung vào những dự án mà chúng tôi có thể kiểm soát và tạo ra giá trị thực“, lãnh đạo chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình trả lời câu hỏi của nhà đầu tư. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
Cùng với đó, Gemadept cũng không lơ là trước những chuyển động cạnh tranh ở phía Bắc. Khi các bến số 3, 4, 5, 6 tại Lạch Huyện (Hải Phòng) đi vào hoạt động, khả năng cạnh tranh đối với các cảng sông như Nam Đình Vũ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Bình đánh giá mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn nhờ những lợi thế sẵn có. Nam Đình Vũ hiện đón được tàu lên tới 48,000DWT thông qua kênh Hà Nam và khai thác chủ yếu tàu nội Á, quy mô đến 3,000TEU – phân khúc vẫn chiếm tỷ trọng cao tại Hải Phòng.
Ông Bình nhấn mạnh, Gemadept đã chuẩn bị từ sớm cho sự dịch chuyển này bằng việc nâng cấp hệ thống, tập trung phát triển các bến bãi, và xây dựng mối quan hệ chiến lược với khách hàng, trong đó có những hãng tàu lớn như MSC. Mặc dù MSC sẽ chuyển một số tuyến nội Á ra Lạch Huyện, nhưng phần lớn tuyến và nguồn hàng nội địa vẫn duy trì tại Nam Đình Vũ nhờ hiệu quả chi phí, năng suất khai thác và sự gắn bó lâu dài giữa các bên.
Bên cạnh ứng phó với sự cạnh tranh, Gemadept đang đẩy mạnh tiến độ các dự án mới. Giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ dự kiến hoàn thành vào tháng 11-12/2025 và đưa vào khai thác đầu năm 2026, sớm hơn kế hoạch ban đầu. Sau khi hoàn thiện, Nam Đình Vũ sẽ trở thành cụm cảng sông lớn nhất miền Bắc với 7 cầu tàu và chiều dài cầu tàu gần 1,700m.
Ở phía Nam, Gemadept cũng đang tích cực chuẩn bị cho các dự án lớn tại khu vực Cái Mép Hạ. Công ty đã liên danh với SSA Marine nộp thư quan tâm tới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ rất sớm, nhằm tham gia đầu tư các hạng mục trọng điểm như trung tâm logistics và cảng tổng hợp. Cùng với đó, Gemadept cũng xúc tiến các thương vụ M&A nhằm hoàn thiện hệ sinh thái logistics, tối ưu mạng lưới vận hành từ Bắc vào Nam.
Cảng Gemalink. Nguồn: Gemalink
|
Vẫn đang chờ thông tin về dự án Cái Mép Hạ
Chia sẻ về dự án Cái Mép Hạ, người đứng đầu Ban Điều hành Gemadept cho biết, Công ty cùng đối tác SSA Marine đã sớm nộp thư quan tâm và đề xuất phương án đầu tư, bao gồm cảng tổng hợp và trung tâm logistics. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ quan chức năng vẫn chưa có thêm hướng dẫn hay thông tin chính thức về tiến trình tiếp theo của dự án.
Ngoài Gemadept, hiện có 7 liên danh và tập đoàn khác cũng nộp hồ sơ quan tâm đến dự án. Gần đây, một tập đoàn bất động sản lớn cũng đã nộp đơn xin tham gia cả dự án ở Cái Mép Hạ lẫn một số khu vực khác như Hải Phòng. Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn khiến cho cuộc cạnh tranh quyền đầu tư vào khu vực này thêm phần sôi động.
Tuy nhiên, lãnh đạo Gemadept nhấn mạnh rằng các dự án quy mô quốc gia như Cái Mép Hạ đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực tế sâu rộng trong lĩnh vực vận hành cảng biển và logistics quốc tế, đồng thời sở hữu mạng lưới đối tác chiến lược toàn cầu để đảm bảo khai thác hiệu quả.
“Chúng tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm hơn 35 năm trong ngành, cùng hệ thống khách hàng và đối tác chiến lược đã được xây dựng, Gemadept sẽ có lợi thế lớn khi tham gia cạnh tranh dự án Cái Mép Hạ“, ông nói.
Ông Bình cũng bày tỏ kỳ vọng vào một quá trình xét duyệt minh bạch, công bằng từ phía cơ quan quản lý, đồng thời nhấn mạnh rằng Gemadept đã chuẩn bị sẵn sàng về năng lực tài chính và nguồn lực vận hành để triển khai dự án nếu được lựa chọn.
Dù vậy, theo lãnh đạo Gemadept, hiện Doanh nghiệp vẫn đang chờ các bước triển khai cụ thể từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Các nhà đầu tư quan tâm đến dự án Cái Mép Hạ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào về tiến trình tiếp theo.
– 18:31 27/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/tong-giam-doc-gemadept-nguyen-thanh-binh-noi-ve-nhieu-nha-dau-tu-nop-ho-so-quan-tam-du-an-cai-mep-ha-737-1301223.htm