Từ bỏ game tỷ đô sinh lời đều, cha đẻ “ trò chơi huyền thoại” bất ngờ chuyển hướng sang AI nghìn tỷ USD

Bán mảng game trị giá 3,5 tỷ USD và bước chân vào lĩnh vực AI

Từng tạo ra cơn sốt toàn cầu với Pokémon GO, Niantic vừa chính thức rút khỏi mảng trò chơi điện tử và đổi tên thành Niantic Spatial, đặt cược vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với tham vọng định hình tương lai điện toán không gian.

game.png
“Cha đẻ” của Pokémon GO vừa chính thức rút khỏi mảng trò chơi điện tử

Tháng 3/2025, Niantic – nhà phát triển của Pokémon GO bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng game. Thương vụ chuyển nhượng toàn bộ mảng kinh doanh trò chơi, bao gồm cả Pokémon GO cho Scopely – công ty thuộc sở hữu của quỹ đầu tư nhà nước Ả Rập Xê Út có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, theo Forbes.

Dù vẫn đang thu về hàng trăm triệu USD doanh thu mỗi năm, và riêng năm 2024 đạt 1 tỷ USD doanh thu với 100 triệu người chơi Pokémon GO, Niantic vẫn quyết định tách riêng mảng game để theo đuổi mục tiêu lớn hơn: phát triển AI.

Pokemon Go
Pokemon Go từng tạo ra cơn sốt toàn cầu nay đã được bán cho 1 công ty tại Rập Xê Út có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD

Ngay sau đó, công ty đổi tên thành Niantic Spatial, mở ra một chương hoàn toàn mới, tập trung vào các mô hình trí tuệ nhân tạo và công nghệ lập bản đồ không gian phục vụ doanh nghiệp.

Tái định vị với nền tảng giúp máy móc “nhìn thấy” thế giới thực

Nền tảng Spatial được Niantic ra mắt vào tháng 11/2024, cung cấp công cụ lập bản đồ bằng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ robot định hướng hoặc tăng cường khả năng vận hành kính thực tế tăng cường (AR).

Khác với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) giúp AI hiểu và tạo văn bản, Niantic phát triển mô hình không gian địa lý lớn (LGM) giúp AI “nhìn” và hiểu không gian vật lý như con người, biết cách di chuyển và tương tác trong thế giới thực.

Niantic sở hữu lợi thế dữ liệu vượt trội với 30 tỷ dặm người dùng di chuyển trong các game như Pokémon GO và Ingress, cho phép công ty tái dựng địa điểm thực dưới dạng 3D.

Theo CEO kiêm đồng sáng lập John Hanke, việc rút khỏi lĩnh vực game không phải vì khó khăn tài chính. “Nếu nhìn vào các trò chơi hiện tại, doanh thu vẫn rất ổn”, ông khẳng định với Forbes.

John Hanke - Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Niantic (nay là Niantic Spatial)
John Hanke – Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Niantic (nay là Niantic Spatial)

Tuy nhiên, trong nội bộ Niantic, mảng game và công nghệ luôn cạnh tranh về nhân sự, thời gian và ngân sách. Để mỗi mảng phát triển tối đa, công ty chọn cách tách riêng hoàn toàn.

Ông Hanke gọi đây là sự “tự phân chia tế bào”, một lựa chọn hiếm gặp đối với những công ty đang vận hành thành công. Ông cũng nhấn mạnh đây là “trở về với cội nguồn”, khi bản thân từng là người sáng lập Keyhole, công ty chuyên về hình ảnh vệ tinh – tiền thân của Google Maps sau khi được Google mua lại năm 2004 với giá 35 triệu USD.

Cạnh tranh trong đường đua điện toán không gian

Niantic Spatial hiện tham gia vào đường đua điện toán không gian – nơi hội tụ giữa AI, bản đồ số và AR được Gartner dự báo sẽ tăng trưởng từ 110 tỷ USD (2023) lên 1.700 tỷ USD (2033).

Tuy nhiên, đây là sân chơi đông đúc với nhiều tên tuổi lớn. Có thể kể đến Nvidia, đã ra mắt Omniverse từ 2021 – nền tảng giúp tạo bản sao kỹ thuật số 3D cho nhà máy, môi trường công nghiệp.
Bên cạnh đó, Fei-Fei Li – nhà khoa học AI hàng đầu, sáng lập World Labs, startup phát triển thế giới ảo 3D, dù chưa tung sản phẩm vẫn được định giá tới 1 tỷ USD.

Để chuẩn bị cho hành trình mới, Niantic đã huy động 250 triệu USD từ các nhà đầu tư lâu năm như Coatue, Battery Ventures và CRV. Đồng thời, công ty cắt giảm hơn 65 nhân sự, sau khi từng sa thải khoảng 230 người và đóng cửa studio Los Angeles năm 2023.

CEO Hanke khẳng định sẽ không có thêm đợt sa thải lớn nào, dù vẫn có thể có một vài sự ra đi trong giai đoạn chuyển đổi cuối cùng.

Ra mắt năm 2016, Pokémon GO nhanh chóng tạo nên hiện tượng toàn cầu, trở thành trò chơi di động được chơi nhiều nhất lịch sử nước Mỹ với hơn 21 triệu người chơi mỗi ngày chỉ sau 2 tháng phát hành.

Tuy nhiên, những sản phẩm kế tiếp như Harry Potter: Wizards Unite (ra mắt 2019, ngừng hoạt động 2022), hay game dựa trên Transformers đều không thể lặp lại thành công. Các dự án hợp tác với NBA, Marvel cũng bị hủy bỏ.

Ngay cả Pokémon GO, dù vẫn thuộc top 10 game nhập vai trên App Store, nhưng đã rơi khỏi top 100 game miễn phí, dấu hiệu cho thấy sự bão hòa.

John Hanke từng thừa nhận trong một bản ghi nhớ năm 2023 rằng thị trường game di động ngày càng chật chội, với các thay đổi trong cửa hàng ứng dụng và quảng cáo khiến việc phát hành game mới trở nên vô cùng khó khăn.

Dù bán Pokémon GO, Niantic Spatial vẫn hợp tác với Scopely, tiếp tục cung cấp công nghệ bản đồ. Nhờ đó, công ty vẫn được tiếp cận và sử dụng dữ liệu người dùng phục vụ phát triển mô hình AI không gian.

Về lo ngại quyền riêng tư dữ liệu khi Scopely thuộc sở hữu của quỹ đầu tư Ả Rập Xê Út, CEO Niantic Spatial nhấn mạnh: “Các quy định rất rõ ràng. Niantic và Scopely là hai bên duy nhất kiểm soát dữ liệu”.

Scopely cũng tuyên bố: “Chúng tôi hoạt động độc lập. Dữ liệu người chơi được bảo vệ nghiêm ngặt theo luật quyền riêng tư và lưu trữ hoàn toàn trên máy chủ tại Mỹ”.

Hiện tại, Niantic Spatial mới chỉ có vài khách hàng đầu tiên, đáng chú ý nhất là Hội đồng Du lịch Singapore đang sử dụng công nghệ để tạo chuyến tham quan thực tế tăng cường tại Flower Dome – nhà kính lớn nhất thế giới.

Các sản phẩm khác như Scaniverse – khảo sát không gian từ xa bằng mô hình 3D và Hệ thống định vị trực quan – xác thực đơn hàng đã giao… đang mở ra hướng đi mới cho công ty.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tu-bo-game-ty-do-sinh-loi-deu-cha-de-tro-choi-huyen-thoai-bat-ngo-chuyen-huong-sang-ai-nghin-ty-usd-1389942.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *