Hoa Sen: Tập trung vực dậy thị phần tôn mạ và xây nền tảng bán lẻ
Thời gian gần đây, bức tranh kinh doanh của Hoa Sen cho thấy sự chủ động thích nghi, dù thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp. Ban lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận bối cảnh toàn cầu chuyển từ xu hướng tự do thương mại sang bảo hộ đã tác động trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ. Từ mức tỷ trọng xuất khẩu cao, nay Hoa Sen đã dịch chuyển sang ưu tiên thị trường nội địa, với khoảng 60–65% sản lượng bán ra trong nước.
Đây không phải là cuộc cạnh tranh dễ dàng. Công suất sản xuất thép mạ toàn thị trường đã lên tới mức gấp ba nhu cầu thực tế, đẩy biên lợi nhuận của nhiều nhà máy về sát ngưỡng tối thiểu. Tuy nhiên, nhờ mạng lưới phân phối phủ khắp hơn 400 cửa hàng, Hoa Sen vẫn duy trì đà tăng trưởng sản lượng. Từ đầu năm 2025, doanh nghiệp ghi nhận mức tiêu thụ nội địa dao động khoảng 80.000–85.000 tấn thép mạ mỗi tháng, tăng so với trung bình năm trước.
Tín hiệu tích cực nhất nằm ở kết quả kinh doanh quý II/2025. Ước tính, lợi nhuận ròng bình quân đạt khoảng 80 tỷ đồng mỗi tháng, trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp hợp nhất duy trì ổn định 11–12%. Ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết mảng phân phối thương mại hiện đóng góp khoảng 10% doanh thu, song lại mang lại biên lợi nhuận vượt trội khi so sánh với mảng sản xuất truyền thống. Cụ thể, các mặt hàng như gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh ghi nhận biên lợi nhuận gộp 25–30%, vượt xa tỷ suất lãi của tôn mạ.
Chính vì vậy, chiến lược dài hạn đang được Hoa Sen đặt cược vào chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng Hoa Sen Home. Doanh nghiệp dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ mở thêm ít nhất 30 cửa hàng mới, nâng tổng số điểm bán lên hơn 430. Mục tiêu doanh thu của hệ thống này đạt 15.000 tỷ đồng trong năm nay và gấp đôi lên khoảng 33.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Chủ tịch Lê Phước Vũ thẳng thắn nhận định: “Khi bối cảnh đã thay đổi, nếu chỉ duy trì mô hình cũ, Tập đoàn Hoa Sen sẽ dần bị triệt tiêu. Hoa Sen Home chính là bước đi để chúng tôi quay lại chinh phục thị trường nội địa một cách bền vững”.
Song song, thị trường thép mạ trong nước được hưởng lợi từ chính sách áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc (mức thuế từ 23,1% đến 27,83%), bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2025. Nhờ vậy, giá bán trong nước đã nhích lên, tạm thời hỗ trợ biên lợi nhuận của Hoa Sen.
Hòa Phát: Pháo đài thép xây dựng chưa có đối thủ
Nếu phải chọn một ví dụ điển hình về doanh nghiệp xây “pháo đài” thị phần gần như không thể công phá, Hòa Phát chính là minh chứng rõ nhất. Trong khi nhiều tên tuổi khác nỗ lực giành chỗ đứng, tập đoàn này đã âm thầm củng cố thế thượng phong bằng lợi thế quy mô và chiến lược khép kín toàn chuỗi sản xuất.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính riêng 4 tháng đầu năm 2025, Hòa Phát tiêu thụ tới 1,61 triệu tấn thép xây dựng – tương đương gần 38% tổng thị phần cả nước. Khoảng cách mà Hòa Phát tạo ra lớn đến mức các đối thủ còn lại cộng lại cũng không thể vượt qua. VNSteel, Thép Việt Đức, Vinakyoei hay POSCO đều bị bỏ lại khá xa trên bảng xếp hạng tiêu thụ.
Cụ thể, xếp ở vị trí thứ hai là VNSteel, với sản lượng tiêu thụ đạt 498.455 tấn, tương ứng 11,6% thị phần. Tiếp sau đó, Thép Việt Đức bán ra 233.000 tấn, chiếm khoảng 5,4% thị phần. Các doanh nghiệp Vinakyoei và POSCO lần lượt nắm giữ 4,77% và 3,32%, duy trì thị phần ở mức một chữ số.
Nhóm các doanh nghiệp còn lại cộng dồn chiếm khoảng 37% tổng thị phần thép xây dựng cả nước. Trong danh sách này, Hoa Sen dù từng thể hiện quyết tâm thâm nhập phân khúc thép xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa ghi được dấu ấn đáng kể. Thị phần của Hoa Sen hiện ở mức rất nhỏ và chưa được Hiệp hội Thép Việt Nam liệt kê trong nhóm các nhà sản xuất dẫn đầu.
Ít ai quên được thời điểm năm 2016, khi Chủ tịch Hoa Sen tuyên bố mạnh mẽ “sẽ nhảy vào chia phần”. Nhưng sau gần một thập kỷ, tham vọng ấy vẫn nằm trên giấy. Còn Hòa Phát thì kiên trì xây dựng nền móng: đầu tư khu liên hợp Dung Quất hàng tỷ USD, mở rộng công suất HRC để kiểm soát chi phí đầu vào và tối ưu chuỗi cung ứng từ thép cuộn đến thành phẩm.
Chính chiến lược này đã tạo nên một bức tường thành ngăn cản bất cứ đối thủ nào muốn chen chân bằng cách “lấy vốn mỏng đấu vốn dày”. Đối với Hòa Phát, cuộc đua không chỉ là câu chuyện sản lượng, mà là cuộc chơi dài hơi về năng lực đầu tư, công nghệ và sức bền tài chính – những yếu tố mà Hoa Sen cuối cùng đã lựa chọn dừng lại, không tham gia tới cùng.
Một thập kỷ, hai con đường rẽ ngang
Năm 2016, khi Chủ tịch Hoa Sen công khai tham vọng lấn sân thép xây dựng, Hòa Phát vừa công bố lợi nhuận kỷ lục, và ai cũng hình dung viễn cảnh một cuộc đua tranh khốc liệt sẽ xảy ra. Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại.
Gần 10 năm sau, Hòa Phát không chỉ bảo toàn vị thế số 1 mà còn mở rộng thêm nhiều tầng cao mới, duy trì biên lợi nhuận vượt trội nhờ quy mô khổng lồ. Ngược lại, Hoa Sen đã chọn một lối đi khác: tập trung trở lại mảng tôn mạ, xây dựng chuỗi bán lẻ Hoa Sen Home để tránh sức ép cạnh tranh ngày một dữ dội trong sản xuất thuần túy.
Ở góc nhìn dài hạn, lựa chọn rời khỏi cuộc đua thép xây dựng không hẳn là thất bại, mà là sự tỉnh táo để bảo toàn nguồn lực và tạo dư địa phát triển bền vững.
Trong một ngành mà “người khổng lồ” nắm trong tay cả sản xuất, phân phối lẫn lợi thế chi phí, cuộc chơi chỉ dành cho những ai sẵn sàng chấp nhận chi tiêu khổng lồ – điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể theo đuổi đến cùng.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tu-bo-giac-mo-chia-thi-phan-voi-hoa-phat-hoa-sen-cua-ong-le-phuoc-vu-di-nuoc-co-rieng-1389350.html