Từ một bát canh cá ở Trung Quốc, đầu bếp Thái Nguyên tạo nên món bún “độc nhất” Hà Nội
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Thái Nguyên, anh Nguyễn Văn Thức (sinh năm 1988) chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghề bếp. Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào năm 18 tuổi khi anh được người thân giới thiệu làm phụ bếp cho một nhà hàng. Qua thời gian, anh dần yêu thích công việc bếp núc, được khuyên đi học nghề bài bản và chính thức bước vào con đường đầu bếp chuyên nghiệp.
Bước ngoặt đến khi anh gặp một vị khách người Việt đang sinh sống tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Vị khách này nhiều lần quay lại ăn món phở do anh nấu, đánh giá rất cao tay nghề và ngỏ lời mời anh sang Trung Quốc đào tạo đầu bếp. Năm 2018, anh Thức sang Thâm Quyến, làm việc trong vòng một năm. Trong thời gian này, anh được thưởng thức món canh cá có nước dùng trắng đục như sữa do đầu bếp địa phương nấu – tiền đề cho món bún cá sữa sau này.
Trở về Việt Nam đầu năm 2019, anh Thức quyết định khởi nghiệp với món bún cá sữa. Nước dùng được ninh từ tép dầu và cá nhỏ tự nhiên, sau đó xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt tạo nên màu trắng sữa đặc trưng.
“Để có màu nước này, quán sử dụng cá tép dầu Thái Nguyên, làm sạch, đem ninh nhừ trong 12 tiếng để cho ra màu trắng đục. Khi nước dùng gần đạt, cho thêm rau ngót quế với vị dai, giòn để cân bằng độ béo ngậy cho nước dùng cũng như tạo màu sắc cho món ăn”, anh Thức chia sẻ.
Kiên trì với món bún “độc lạ” sau 2 lần thất bại, nay bán nghìn bát mỗi ngày
Tuy nhiên, sản phẩm mới lạ khiến khách hàng bỡ ngỡ, dẫn đến 2 lần thất bại liên tiếp: cơ sở đầu tiên tại An Khánh (Hoài Đức) đóng cửa chỉ sau vài tháng cuối năm 2019, còn cơ sở thứ 2 tại Văn Khê (Hà Đông) năm 2022 cũng không thành công.
Anh Thức cho biết, lúc đầu mở quán, đa phần khách đều thắc mắc về nước dùng trắng như sữa. Mỗi ngày, anh và nhân viên phải giải thích với rất nhiều khách hàng vì nhiều người còn sợ, không dám ăn.
Dù vậy, anh không từ bỏ. Sau khi tìm hiểu kỹ về thị trường, khẩu vị người tiêu dùng và rút kinh nghiệm từ 2 lần trước, anh đầu tư lại mặt bằng, cải tiến chất lượng nguyên liệu và mở quán mới tại Vạn Phúc (Hà Đông) vào tháng 10/2023.
Anh áp dụng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt như: giữ cá trong nước nguyên sinh khi vận chuyển, chọn rau ngót tươi hợp vị nước dùng, và phục vụ tận tâm với trà đá miễn phí, kẹo khử tanh sau bữa ăn. Tất cả giúp món ăn trở nên hấp dẫn và khác biệt.
Sau thành công của cơ sở đầu tiên, chỉ trong vòng 3 tháng, anh Thức tiếp tục mở thêm 2 quán tại Linh Đàm và Nguyễn Cơ Thạch (Hà Nội). Mỗi cơ sở đều duy trì lượng khách ổn định, đặc biệt đông vào các buổi sáng cuối tuần.
Anh Thức chia sẻ, hầu như ngày nào cũng đông, khách tới ngồi kín bàn ở tầng một và tầng hai. Mỗi ngày quán bán khoảng 700-1.000 bát. Dịp cuối tuần, lễ Tết, lượng bán khoảng 1.200 bát.
Khách hàng ban đầu còn nghi ngại về nước dùng trắng, nhưng sau khi nghe giải thích và trải nghiệm thực tế, nhiều người trở thành khách quen. Có những vị khách đi 5-7 km chỉ để ăn một bát bún cá sữa là minh chứng cho sức hút món ăn này.
Hiện anh Nguyễn Văn Thức là Phó Chủ tịch Hội đầu bếp Thái Nguyên, đồng thời nhận đào tạo nghề cho nhiều học viên trẻ. Anh cho biết, mình sẵn sàng chia sẻ công thức, kinh nghiệm để giúp những người yêu nghề có cơ hội lập nghiệp bền vững.
“Thành công hôm nay là kết quả của duyên phận, sự cố gắng không ngừng và tinh thần không bỏ cuộc. Tôi biết ơn những lần vấp ngã, vì nhờ đó tôi mới đứng vững được trên đôi chân mình”, anh Thức chia sẻ.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tung-that-bai-2-lan-vi-mon-an-doc-la-nguoi-dan-ong-tro-lai-ngoan-muc-voi-hang-nghin-suat-duoc-ban-ra-moi-ngay-1389496.html