Tỷ phú Trần Đình Long: “Muốn nuôi doanh nghiệp lớn, không thể chỉ nói khuyến khích”
Tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) nhấn mạnh doanh nghiệp sản xuất cần chính sách cụ thể và cơ chế đặt hàng rõ ràng từ Nhà nước. Ông cho rằng đây là bước ngoặt, khi lần đầu khu vực tư nhân được xác lập là động lực chính của nền kinh tế, thay vì chỉ là thành phần cần khuyến khích như trước đây.
* Chủ tịch Trần Đình Long (HPG) nói về cạnh tranh: “Mất dây thần kinh sợ lâu rồi”
Sau ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức sáng 17/04, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ông Trần Đình Long, dành ít phút trao đổi riêng với báo chí về những chủ đề lớn đang định hình chiến lược của tập đoàn, từ chính sách trong nước đến biến động toàn cầu.
“Kế hoạch dài hạn lúc này đều phụ thuộc vào cuộc đàm phán với Mỹ”
Liên quan đến bối cảnh đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang diễn ra, Chủ tịch Hòa Phát cho rằng tất cả đều đang “hồi hộp chờ đợi”, và mọi kế hoạch kinh doanh dài hạn ở thời điểm hiện tại đều “phụ thuộc vào kết quả đàm phán của đoàn Việt Nam với Mỹ”. Ông Long đánh giá đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng xuất khẩu, tỷ trọng tiêu thụ nội địa – xuất khẩu và cả môi trường kinh doanh vĩ mô. Với doanh nghiệp sản xuất lớn như Hòa Phát, việc dự đoán hay hành động trước khi có kết quả chính thức là điều rất rủi ro.
Ở một khía cạnh khác, trao đổi về chính sách trong nước, ông Long nhấn mạnh vai trò của cơ chế đặt hàng đối với sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Việc Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ nghị định để có thể giao nhiệm vụ và đơn hàng cụ thể cho doanh nghiệp được ông đánh giá là rất cần thiết. “Thủ tướng giao nhiệm vụ thì mới đầu tư chứ, đầu tư mà không đặt hàng thì khó. Nếu chỉ dừng ở các cụm từ như ưu tiên, khuyến khích thì không đủ”. Doanh nghiệp cần những ràng buộc cụ thể, rõ ràng và đúng với các cam kết WTO để có thể yên tâm đầu tư bài bản, dài hạn.
Trong khuôn khổ thảo luận với cổ đông sáng nay, Chủ tịch Hòa Phát lần đầu xác nhận quyết định đầu tư nhà máy sản xuất thép ray tại Dung Quất 2, vốn hơn 14,000 tỷ đồng. Đây là dự án khó, sản phẩm chất lượng cao, chưa từng được sản xuất trong nước. Nhưng ông tin Hòa Phát sẽ làm được, dựa trên truyền thống của tập đoàn. Một khi làm được đường ray, Hòa Phát có thể cung cấp toàn bộ chủng loại sắt thép cho ngành hạ tầng đường sắt. Việc đưa “xây dựng công trình đường sắt” vào ngành nghề kinh doanh của tập đoàn không chỉ là động thái thủ tục, mà là bước chuẩn bị chiến lược.
Ông Trần Đình Long trả lời các cổ đông Hòa Phát sáng 17/04.
|
Hiện nay, một số dự án lớn như đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ, Lào Cai… đang được nghiên cứu điều kiện vay vốn, kể cả vốn ODA từ Trung Quốc. Hòa Phát sẽ chủ động tham gia, thậm chí đi trước ở một số hạng mục để đón đầu. Theo ông, nếu nghị định về đặt hàng được thông qua, “mọi người có thể yên tâm – đường ray Hòa Phát sản xuất sẽ có đầu ra”.
“Đầu tư mà không đặt hàng thì khó lắm”
Nói rộng hơn về vai trò của kinh tế tư nhân, ông Long cho rằng Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, lâu dài để “nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước”. Ông nhắc lại bài học từ Hàn Quốc những năm 1960, nơi Chính phủ đã đặt hàng, hỗ trợ và phát triển các tập đoàn lớn (chaebol) để xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ. Theo ông, Việt Nam không thể đi con đường khác: “Phải học theo người ta thôi. Có thể sẽ thay đổi theo thực tế, nhưng cơ bản vẫn phải đặt hàng – gốc của mọi cái gốc trên đời – không còn con đường nào khác nếu muốn nuôi dưỡng các doanh nghiệp lớn”. Ông kỳ vọng vào nghị quyết sắp được ban hành về phát triển kinh tế tư nhân và cho rằng đây là thời điểm bước ngoặt, khi “lần đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân được Đảng và Nhà nước coi là động lực chính”.
Với tinh thần chủ động, Hòa Phát đã hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp trong nước như VinFast, Thành Công, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hay các đối tác năng lượng quốc gia. Không chỉ là ý tưởng, Hòa Phát đang triển khai sản phẩm thực tế – như trục, bánh xe cho tàu hỏa, và cùng các đối tác nghiên cứu các dự án điện gió, điện mặt trời ngoài khơi. Ông Long cho rằng tinh thần hợp tác không còn rào cản giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, nhất là khi Chính phủ đang khuyến khích mạnh mẽ kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.
– 15:46 17/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/ty-phu-tran-dinh-long-muon-nuoi-doanh-nghiep-lon-khong-the-chi-noi-khuyen-khich-761-1296914.htm