VCG: Xoay xở dòng tiền

Khó khăn về dòng tiền kinh doanh đã khiến Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex, HoSE: VCG) phải thoái vốn tại Công ty con.

Cơ cấu doanh thu của

HĐQT VCG đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR) – chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Cái Giá – Cát Bà tại Hải Phòng.

Đặt kế hoạch kinh doanh kỷ lục

Năm 2025, VCG định hướng duy trì hoạt động trên cả 3 trụ cột là xây lắp, kinh doanh bất động sản và đầu tư tài chính. Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm 2024. Cụ thể, tổng doanh thu của VCG dự kiến đạt 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.200 tỷ đồng.

Trong quý I/2025, VCG đạt gần 2.600 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, và hơn 151 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt đạt gần 17% và 12,58% kế hoạch đề ra.

Dù đặt kế hoạch kinh doanh kỷ lục như vậy nhưng VCG đối mặt với một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong mảng xây lắp và bất động sản. Trong đó, mảng xây lắp chịu ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên vật liệu, trong khi mảng bất động sản gặp khó khăn do nhiều yếu tố, như tình trạng các shophouse bỏ trống do không có khách thuê, làm giảm doanh thu và hiệu quả kinh doanh của VCG.
Bên cạnh đó, một số dự án còn tồn đọng, chưa giải quyết được các vấn đề về thủ tục pháp lý và tài chính.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp khác trong ngành.

Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của VCG tính đến cuối quý 1/2025 âm tới 763,2 tỷ đồng, gấp hơn 1 lần quý 1/2024, do tăng mạnh khoản phải thu, khoản phải trả còn lớn…

Chuyển nhượng cổ phần

Trước thực trạng trên, HĐQT VCG đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại VCR. Theo đó, VCG sẽ chuyển nhượng toàn bộ 107 triệu cổ phần (tỷ lệ 51%) mà VCG đang nắm giữ tại VCR, với mức giá bán tối thiểu 48.000 đồng/cp. Hình thức bán vốn là đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư. Nếu chuyển nhượng thành công, VCG dự kiến thu về gần 5.141 tỷ đồng.

Được biết, VCR là chủ đầu tư dự án khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà, với tổng diện tích 176,1 ha, nằm tại vịnh Cái Giá thuộc đảo Cát Bà, Hải Phòng. Tổng mức đầu tư dự án gần 11.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 1/2025, VCR đã rót vào dự án hơn 4.920 tỷ đồng, chiếm gần 94% tổng tài sản của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, dự án chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Đáng chú ý, VCR lỗ lũy kế hơn 545 tỷ đồng tính đến ngày 31/03/2025.

Năm 2025, VCR dự kiến tổng doanh thu 1.793 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 3,1 tỷ đồng của năm 2024. Theo lãnh đạo VCR, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu dựa trên nhận định thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trong năm 2025, mở ra chu kỳ phát triển mới nhờ hệ thống văn bản hướng dẫn luật hoàn chỉnh cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Đặc biệt, khi cơ sở hạ tầng thành phố Hải Phòng và đảo Cát Bà được đầu tư đồng bộ, bài bản, sẽ đem lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế năm 2025 của VCR dự kiến đạt 569 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công kế hoạch kinh doanh năm 2025, VCR sẽ chấm dứt tình trạng thua lỗ kéo dài từ năm 2017. Tuy nhiên trên thực tế, VCR gặp rất nhiều thách thức trong việc thực hiện kế hoạch này.

Thách thức thoái vốn

Việc VCG muốn thoái vốn tại VCR không phải thông tin mới. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo VCG cho biết, dự án Cái Giá – Cát Bà đã dừng hơn chục năm và chỉ mới khởi động lại từ 2020. Đây là dự án nghỉ dưỡng lớn, nhưng mảng này không phải nhu cầu cấp thiết của người dân hiện nay nên thị trường tương đối yếu.

VCG đã thống nhất với VCR rằng trong năm 2024 lên kế hoạch bán hàng nhưng sẽ tùy theo thị trường, có thể bán buôn hoặc bán một phần dự án, với điều kiện giá bán phải đảm bảo có lãi.

Tuy nhiên tính đến thời điểm này, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19, trong khi lãi suất vay vốn vẫn duy trì ở mức cao. Để đầu tư vào dự án này, VCGVCR đã vay tại ngân hàng với lãi suất từ 11,7 – 13,2%/năm.

Đánh giá về phương thức chuyển nhượng cổ phần mà VCG triển khai, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, dự án Cái Giá – Cát Bà không phải dự án duy nhất trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển từ Phú Quốc, Nha Trang, Hồ Tràm… cũng đang trong tình trạng dang dở vì chuyển nhượng khó khăn do thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa có sự chuyển động tích cực và chưa có thanh khoản.

Hơn nữa, giá cổ phiếu VCR hiện vẫn chỉ giao dịch xoay quanh mức 46.000 đồng/cp, thấp hơn mức giá tối thiểu 48.000 đồng/cp mà VCG muốn thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.

Do đó, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại VCR trong bối cảnh hiện nay có thể sẽ là thách thức rất lớn đối với VCG.

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/vcg-xoay-xo-dong-tien/33842171

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *