Trụ vững giữa sóng gió chi phí và rào cản thuế đối ứng
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 với nhiều điểm đáng chú ý. Đáng kể nhất là việc lần đầu tiên doanh nghiệp ghi nhận chi phí thuế đối ứng gần 27 tỷ đồng, phản ánh ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường Mỹ – một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty.
Trong quý II/2025, doanh thu thuần của FMC đạt 1.880 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh ngành thủy sản chịu nhiều áp lực từ giá nguyên liệu và các rào cản thương mại quốc tế. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của công ty lại giảm từ mức 11,3% xuống còn 10,5%, cho thấy phần nào sức ép từ chi phí đầu vào và sự cạnh tranh trong xuất khẩu tôm.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng đáng kể, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh 84%, lên mức 106 tỷ đồng, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận gộp.
Trong đó, khoản chi phí thuế đối ứng gần 27 tỷ đồng được ghi nhận lần đầu tiên là một trong những nguyên nhân chính khiến chi phí bán hàng tăng đột biến. Đây là khoản chi mà Sao Ta phải chịu khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ – nơi ngày càng siết chặt chính sách thương mại đối với tôm Việt Nam.
Dù chịu ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng, FMC vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 80 tỷ đồng trong quý II/2025, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ban lãnh đạo công ty, kết quả tích cực này đến từ việc đẩy mạnh tiêu thụ, đặc biệt nhờ hiệu quả cao từ hoạt động nuôi tôm – lĩnh vực cốt lõi mà công ty đã tập trung đầu tư trong nhiều năm qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, FMC đạt 3.870 tỷ đồng doanh thu thuần, hoàn thành 59% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế mới đạt 137 tỷ đồng, tương đương gần 33% chỉ tiêu năm – cho thấy công ty cần tăng tốc trong nửa cuối năm để đảm bảo hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã cam kết với cổ đông.
Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của Sao Ta cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 21,84% so với cùng kỳ năm 2024. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ doanh số bán hàng mạnh mẽ và hiệu quả từ hoạt động nuôi trồng. Doanh thu từ thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của công ty, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của Sao Ta trong ngành xuất khẩu tôm Việt Nam.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng giá trị hàng tồn kho của FMC đạt 1.277 tỷ đồng, tăng 27,5% so với đầu năm. Việc tăng mạnh hàng tồn kho phản ánh chiến lược mở rộng sản xuất của công ty nhằm chuẩn bị hàng hóa cho mùa cao điểm cuối năm. Cơ cấu hàng tồn kho gồm thành phẩm trị giá 734,94 tỷ đồng, hàng hóa chờ xuất 212,55 tỷ đồng và nguyên vật liệu hơn 115 tỷ đồng, cho thấy công ty đang chủ động nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm cũng tăng đáng kể, đạt 4.206 tỷ đồng, so với mức 2.945 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Chi phí nguyên liệu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3.335 tỷ đồng, tiếp đến là chi phí nhân công 393,29 tỷ đồng. Chi phí vận chuyển cũng tăng lên 56,66 tỷ đồng, so với 43,19 tỷ đồng trong năm 2024. Những con số này cho thấy áp lực chi phí mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình mở rộng quy mô và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.
Dù còn cách xa mục tiêu lợi nhuận năm, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của FMC vẫn phản ánh nền tảng hoạt động vững chắc, chiến lược phát triển nhất quán và sự chủ động cao trong chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động, việc kiểm soát được vùng nuôi, chất lượng sản phẩm và chi phí sản xuất sẽ tiếp tục là lợi thế then chốt để FMC duy trì đà tăng trưởng và khẳng định vị thế trong ngành tôm Việt Nam.
Cú chuyển mình sau khi gia nhập hệ sinh thái PAN Group
FMC từng là công ty con chủ lực của Công ty CP Hùng Vương (HOSE: HVG), với tỷ lệ sở hữu 54,28%. Trước khi thoái vốn vào tháng 11/2017, HVG định vụ FMC là “gà đẻ trứng vàng”. Tuy nhiên, do gặp khó khăn tài chính, HVG đã phải bán toàn bộ cổ phần tại FMC để trả nợ.
Sau thương vụ chuyển nhượng, FMC chính thức gia nhập hệ sinh thái của Tập đoàn PAN. Ngay từ năm 2018, PAN hỗ trợ FMC mở rộng vùng nuôi gần gấp đôi, lên khoảng 300 ha – toàn bộ đạt chuẩn quốc tế ASC, giúp công ty chủ động nguồn nguyên liệu và tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận ròng của FMC lần lượt đạt 3.807 tỷ đồng và 180 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Sang năm 2019, dù doanh thu có phần sụt giảm nhẹ, nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 28% so với năm trước, đạt 230 tỷ đồng. Kết quả này đến từ việc nuôi tôm trúng mùa cả 2 vụ và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nhờ hoạt động tại địa bàn thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Những năm gần đây, FMC tiếp tục duy trì kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2023, FMC đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm, với doanh thu vượt 4% và lợi nhuận vượt 1,5% so với kế hoạch đã điều chỉnh (tháng 10/2023). Mặc dù có sự sụt giảm so với năm 2022, sản lượng tiêu thụ tôm đã có sự cải thiện đáng kể từ giữa năm 2023. đã hoàn thành 104% kế hoạch doanh thu và 101,5% kế hoạch lợi nhuận.
Sang năm 2024, bất chấp bối cảnh đầy thách thức khi giá tôm thương phẩm tăng cao từ quý III do mất cân đối cung cầu trong nước, giá bán xuất khẩu duy trì ở mức thấp và chịu thêm áp lực từ hai vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Bộ Thương mại Mỹ, FMC vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng.
Doanh thu thuần năm 2024 đạt 6.913 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 423 tỷ đồng, tăng 40%, trở thành mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty (tính tại thời điểm 2024). Sản lượng chế biến, tiêu thụ và kim ngạch xuất khẩu đều vượt kế hoạch đề ra.
Tính đến nay, FMC là một trong 3 doanh nghiệp tôm niêm yết hàng đầu tại Việt Nam. Với vùng nuôi hơn 300 ha đạt chuẩn quốc tế và khả năng tự chủ 60-70% nguyên liệu đầu vào, công ty có lợi thế cạnh tranh lớn trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Về mặt sở hữu, PAN Group hiện vẫn là cổ đông chi phối tại FMC. Theo cập nhật mới nhất, tập đoàn này nắm giữ tổng cộng 50,2% cổ phần, bao gồm 37,75% trực tiếp và 12,4% thông qua công ty con là Công ty CP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT). Với tỷ lệ sở hữu này, PAN giữ vững quyền kiểm soát chiến lược đối với FMC, đồng thời tiếp tục hỗ trợ công ty trong các hoạt động quản trị, sản xuất và mở rộng thị trường.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ve-duoi-bong-pan-group-doanh-nghiep-vua-co-lan-dau-tien-chiu-thue-doi-ung-lam-an-ra-sao-1392641.html