Vingroup đã đề xuất đầu tư vào một loạt các dự án đường sắt quy mô lớn – từ các tuyến metro đô thị cho đến siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Sau nhiều năm “đắp chiếu”, dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân (Hà Nội – Quảng Ninh) gần đây lại được “hâm nóng” khi Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu báo cáo tiền khả thi để tái khởi động dự án.
Ban đầu, tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân từng được kỳ vọng sẽ kết nối vận tải hàng hóa từ Trung Quốc tới cảng Cái Lân (Quảng Ninh).
Được phê duyệt từ năm 2004, dự án có chiều dài 131km, tổng mức đầu tư hơn 7.660 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bị tạm dừng do chính sách cắt giảm đầu tư công và từ đó rơi vào trạng thái “án binh bất động”.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, dự án đường sắt được điều chỉnh công năng từ chở hàng sang vận tải hành khách. Theo liên danh tư vấn, đến năm 2050, nhu cầu vận tải hành khách trên tuyến có thể đạt 7–8 triệu lượt mỗi năm, trong khi lượng hàng hóa giảm còn khoảng 3 triệu tấn.
Dự thảo mới đề xuất không dùng khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm như trước mà chuyển sang khổ đường đơn 1.435mm, tốc độ tối đa 120 km/h cho tàu khách, 80 km/h cho tàu hàng.
Tổng mức đầu tư mới dự kiến khoảng 9.989 tỷ đồng, thực hiện từ 2026 đến 2030, đưa vào khai thác năm 2031. Dự án bao gồm 4 ga xây mới, cải tạo 8 ga, xây 19 cầu và nâng cấp 36 cầu hiện hữu.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt xem xét đề xuất đầu tư của Tập đoàn Vingroup cho tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Quảng Ninh, nhằm kết hợp và tận dụng hạ tầng đã đầu tư.
Vingroup đề xuất tuyến dài 120,9 km, thiết kế tốc độ 350 km/h, khai thác riêng tàu khách, sử dụng khổ đường 1.435mm, điện khí hóa. Tuyến bắt đầu từ Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia (Hà Nội), kết thúc tại Tuần Châu (Quảng Ninh), đi qua các điểm: Cổ Loa – Gia Bình – Yên Tử – Hạ Long, với khả năng mở rộng thêm ga Yên Viên nếu kết nối với tuyến cũ.
Tổng vốn đầu tư ước tính 5,4 tỷ USD, cần khoảng 308ha đất, thời gian thực hiện đến năm 2030.
Hiện nay, cả hai tuyến – một do Nhà nước nghiên cứu tái khởi động, một do tư nhân đề xuất đầu tư – đang tạo ra kỳ vọng sẽ sớm hồi sinh hệ thống giao thông sắt phía Đông Bắc, góp phần khắc phục tình trạng “dự án treo” kéo dài suốt gần hai thập kỷ qua.
Tham vọng đường sắt của Vingroup
Không chỉ có dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, Tập đoàn Vingroup, dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, còn cho thấy tham vọng định hình lại bức tranh hạ tầng giao thông Việt Nam với một loạt đề xuất đầu tư vào các dự án đường sắt quy mô lớn – từ các tuyến metro đô thị cho đến siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Đường sắt cao tốc Bắc – Nam
VinSpeed (công ty con của Vingroup) liên tiếp gửi đến Chính phủ và các địa phương loạt đề xuất nghiên cứu và đầu tư các tuyến đường sắt. Nổi bật nhất là đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (~67 tỷ USD). Vingroup cam kết tự thu xếp 20% vốn và đề xuất cơ chế Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi 0% lãi suất trong 35 năm. Đây là một trong những đề xuất đầu tư tư nhân lớn nhất từng ghi nhận trong lĩnh vực giao thông Việt Nam.
Tuyến đường sắt đô thị TP. HCM – Cần Giờ
Không chỉ nhắm đến các tuyến cao tốc có quy mô liên vùng, Vingroup còn cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đến hệ thống metro đô thị.
VinSpeed gần đây đã đề xuất dự án metro hoặc đường sắt đô thị tốc độ cao dài khoảng 48,5 km, kết nối từ Quận 7 đến huyện Cần Giờ, qua các trục như Nguyễn Văn Linh, vượt sông Soài Rạp và Rừng Sác. Tốc độ thiết kế khoảng 250 km/h và tổng vốn đầu tư khoảng 102.370 tỷ đồng (~4,09 tỷ USD).
UBND TP.HCM đã chính thức giao Vingroup nghiên cứu và lập hồ sơ đề xuất dự án theo hình thức hợp tác công‑tư (PPP) hoặc đầu tư trực tiếp (BOO), không sử dụng ngân sách TP.
Dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và cần được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi khởi công. Nếu được duyệt, dự kiến khởi công vào năm 2026 và hoàn thành năm 2028.
Một số tuyến metro đề xuất tại Hà Nội
Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, thành phố dự kiến phát triển 10 tuyến metro chính với tổng chiều dài hơn 400 km, trong đó nhiều tuyến vẫn chưa xác định được nhà đầu tư hoặc nguồn vốn triển khai.
Vingroup đã đề xuất tham gia nghiên cứu đầu tư trong 5 tuyến metro chính như sau:
Các tuyến metro mà Vingroup đề xuất nghiên cứu đầu tư đều có điểm chung là kết nối các khu đô thị vệ tinh nơi Vingroup đã phát triển hoặc đang phát triển (như Ocean Park, Smart City, Tây Mỗ – Đại Mỗ…) gắn với các khu vực có tiềm năng phát triển lớn như sân bay Nội Bài, công nghệ cao Hòa Lạc, tuyến vành đai. Bên cạnh đó, các tuyến này còn làm tăng tính đồng bộ của hệ sinh thái Vingroup – từ nhà ở, thương mại, y tế, giáo dục đến công nghệ, logistics.
Dù tham vọng lớn, nhưng các dự án đường sắt mà Vingroup đề xuất vẫn đang ở giai đoạn tiền khả thi. Việc triển khai sẽ phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố như cơ chế pháp lý, huy động vốn, giải phóng mặt bằng và quy hoạch tích hợp.
Trong tương lai gần, với việc Nhà nước ban hành cơ chế đặc thù, thúc đẩy hợp tác công – tư thực chất và minh bạch, sự tham gia của những nhà đầu tư như Vingroup sẽ là “cú hích” quan trọng để tái khởi động ngành đường sắt sau nhiều thập kỷ trì trệ.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/vic-vingroup-muon-do-54-ty-usd-tai-sinh-tuyen-duong-sat-dap-chieu-1-thap-ky-va-tham-vong-dau-tu-loat-du-an-dinh-hinh-ha-tang-giao-thong-viet-nam/33875011