Vietnam Airlines, Vietjet, Sun Air… sắp lướt đi trên đường bay đặc biệt

Các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet hay Sun PhuQuoc Airways… đang tiến thêm một bước quan trọng trong hành trình hướng tới phát triển bền vững khi Việt Nam chính thức đăng ký tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA – cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế, do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) điều phối.

vietnam airlines
Ngành hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các mục tiêu khí hậu toàn cầu

Đường bay xanh và trách nhiệm quốc tế

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, việc tham gia CORSIA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây là dấu mốc khẳng định cam kết mạnh mẽ của ngành hàng không Việt trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Thời gian qua, ngành hàng không đã chuẩn bị những nền tảng quan trọng cho bước chuyển này. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải (nay chuyển giao cho Bộ Xây dựng) đã ban hành Thông tư về quản lý nhiên liệu và phát thải CO₂ trong hàng không dân dụng. Đồng thời, hệ thống giám sát – báo cáo – thẩm tra (MRV) cũng đã được thiết lập, giúp thu thập dữ liệu phát thải của các hãng hàng không và gửi định kỳ cho ICAO trong giai đoạn 2019–2024.

Không dừng lại ở các yêu cầu kỹ thuật, Cục Hàng không còn chủ động nghiên cứu chính sách quốc tế về phát triển bền vững, đặc biệt từ Liên minh châu Âu (EU) – nơi có những quy định khí hậu nghiêm ngặt. Việc này giúp Việt Nam đưa ra các đánh giá tác động và xây dựng giải pháp phù hợp trước khi chính thức tham gia cơ chế CORSIA.

Áp lực tài chính không nhỏ cho các hãng bay

CORSIA được chia thành ba giai đoạn: khởi động (2021–2023), giai đoạn 1 (2024–2026) và giai đoạn 2 (2027–2035). Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn 1 vào năm 2026 – theo hình thức tự nguyện – nhưng với những yêu cầu khắt khe không kém so với giai đoạn bắt buộc.

Theo dự báo, các hãng bay trong nước sẽ phải đối mặt với chi phí bù đắp carbon có thể dao động từ 13–92 triệu USD, tùy thuộc vào biến động của thị trường tín chỉ carbon. Với mức giá dao động từ 6–40 USD/tín chỉ, bài toán chi phí là không dễ chịu, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp hàng không đang phục hồi chậm sau đại dịch, trong khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Tuy vậy, giới chuyên môn cho rằng, chi phí trước mắt có thể được bù đắp bằng lợi thế dài hạn khi hàng không Việt đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khí hậu quốc tế, đặc biệt tại các thị trường khắt khe như châu Âu – nơi đang triển khai cơ chế thuế carbon biên (CBAM) và ưu tiên các hãng bay đạt tiêu chuẩn phát thải thấp.

Cần hỗ trợ chính sách và cơ chế tài chính

Đại diện Cục Hàng không cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng bay và cơ quan chức năng để hoàn thiện chính sách, trong đó chú trọng đến các cơ chế hỗ trợ tài chính – kỹ thuật. Mục tiêu là tạo điều kiện để các doanh nghiệp hàng không Việt có thể thích ứng hiệu quả với yêu cầu từ CORSIA, đồng thời duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi ở khu vực châu Á đăng ký tham gia giai đoạn tự nguyện, cho thấy quyết tâm sớm chuyển đổi xanh ngành hàng không. Việc này cũng góp phần nâng tầm vị thế quốc gia, tạo thuận lợi cho việc đàm phán thương mại và hợp tác kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững.

Dù hành trình chuyển đổi xanh trong ngành hàng không sẽ gặp không ít thách thức, song việc chủ động tham gia cơ chế CORSIA là bước đi đúng hướng. Nó không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc tế mà còn mở ra cơ hội tái định vị các hãng bay Việt trên bản đồ hàng không xanh toàn cầu. Tuy nhiên, để “đường bay xanh” thật sự cất cánh, cần sự đồng hành của cả chính sách, công nghệ và quyết tâm từ các doanh nghiệp đầu ngành.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vietnam-airlines-vietjet-sun-air-sap-luot-di-tren-duong-bay-dac-biet-1388603.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *