VinaCapital đánh giá phản ứng của thị trường trước các thông tin thuế quan
Ông Michael Kokalari – Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital đã có những nhận định ban đầu về tác động của thuế đối ứng đối với Việt Nam.
Rạng sáng ngày 03/04/2025 (giờ Việt Nam), chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%. Dựa trên phân tích của VinaCapital, việc áp dụng mức thuế này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam. Trước đó, thị trường đều kỳ vọng mức thuế đối ứng chỉ 10% cho Việt Nam và VinaCapital thậm chí còn dự báo ở mức thấp hơn vì nhiều lý do, trong đó việc nhắm mục tiêu vào Việt Nam sẽ đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ và những vấn đề kinh tế mà mức thuế này gây ra nếu được áp dụng có thể tạo ra rắc rối cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới do lạm phát chắc chắn gia tăng.
Mức thuế 46% được đưa ra dựa trên đánh giá của Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) cho rằng Việt Nam đang áp mức thuế 90% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Con số này sau đó được giảm một nửa để ra mức thuế “đối ứng” cuối cùng là 46% đối với Việt Nam, theo công thức có thể tìm thấy trên trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), trong đó có ước tính về độ co giãn giá của hàng nhập khẩu từ Mỹ và mức độ tác động của thuế quan đến giá tiêu dùng. Đây cũng là phương pháp mà VinaCapital sử dụng để ước tính tác động dự kiến đến tăng trưởng GDP Việt Nam do thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đó, vào ngày 01/04, USTR đã công bố báo cáo đánh giá về chính sách thương mại, rào cản thương mại cũng như phi thuế quan… của gần 60 quốc gia, trong đó khẳng định “phần lớn hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chỉ chịu mức thuế từ 15% trở xuống”. Ngoài ra, phân tích từ Bloomberg và các nguồn đáng tin cậy khác cũng cho rằng thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với hàng hóa từ Mỹ chỉ cao hơn khoảng 7 điểm phần trăm so với thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên hàng hóa từ Việt Nam – và mức chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa 2 nước là tương đương nhau nếu tính tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu theo hàng hóa làm trọng số.
Việt Nam nên làm gì?
Thông báo từ Nhà Trắng cho rằng Việt Nam đang áp mức thuế lên tới 90% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các yếu tố như “thao túng tiền tệ và rào cản thương mại”. Tuy nhiên, con số 90% này được tính toán bằng cách lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam chia cho tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam – cụ thể là lấy 123 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2024 chia cho 137 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ.
*Bao gồm các yếu tố như “thao túng tiền tệ và rào cản thương mại”
|
Cách tính này khớp với số liệu “thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ” mà Tổng thống Trump đã đưa ra tại buổi họp báo công bố các mức thuế của các quốc gia. Các số liệu về thâm hụt thương mại và nhập khẩu được lấy trực tiếp từ Phụ lục II của báo cáo USTR đã công bố vào hôm trước. Cách tính này phản ánh đúng tinh thần trong những phát biểu của Tổng Thống Trump trước đó rằng các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ đang “lợi dụng” Mỹ và do vậy họ đã xây dựng toàn bộ chính sách thuế quan dựa trên các số liệu cán cân thương mại – hoặc ít nhất là lấy con số đó làm cơ sở cho lập trường ban đầu trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Do đó, Việt Nam cần khẩn trương nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ. Trước đó, VinaCapital đã nghe từ các nguồn tin thứ cấp cho biết giới chức chính quyền Tổng thống Trump đánh giá cao các nỗ lực ban đầu của Việt Nam trong việc giảm thâm hụt thương mại song phương, nhưng họ sẽ không chấp nhận các lời hứa “sẽ mua trong tương lai” như trước đây. Bước đầu, thông tin tích cực trong ngành năng lượng khi Việt Nam sẽ nhanh chóng nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm bằng cách sử dụng các tàu chứa khí hóa lỏng nổi (Floating Storage Regasification Units – FSRU) vì việc xây dựng các cảng LNG có thể mất nhiều năm.
Bước tiếp theo
Phản ứng ban đầu của các chuyên gia về đàm phán thương mại đều cho rằng mức thuế đối ứng 46% chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump và dự kiến các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra trong những tuần tới về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay cả trong giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt. Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm rất cao trong đàm phán, rất khó để hình dung con số cuối cùng có thể thấp hơn 25% – và điều này sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm nay.
Phản ứng của thị trường trước thông tin thuế quan
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn tại Mỹ không kỳ vọng mức thuế của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao hơn đáng kể so với mức 10%, và đã không đẩy mạnh nhập khẩu từ Việt Nam trước thời điểm công bố mức áp thuế, nhưng đã tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc và ô tô từ EU.
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index đã giảm gần 7% trong phiên 03/04, với lực bán trải đều trên toàn thị trường, cho thấy nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá tác động thực sự của chính sách này đến nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Ví dụ, cổ phiếu của FPT – công ty cung cấp dịch vụ gia công phần mềm – giảm tới 7% (giảm sàn) mặc dù mức thuế của chính quyền Tổng thống Trump không tác động gì đến sản phẩm của công ty này.
Trên thị trường ngoại hối, phản ứng ban đầu của tỷ giá USD/VND khá nhẹ nhàng, với mức mất giá chưa đến 1% sau tin tức này – và tổng cộng chưa đến 2% từ đầu năm đến nay. Dựa trên kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và các trường hợp khác (ví dụ như Mexico), thị trường ngoại hối của những quốc gia bị áp thuế thường chứng kiến đồng nội tệ mất giá khoảng một nửa so với mức thuế được áp. Thực tế, biến động của tỷ giá USD/VND phản ánh việc còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng – bao gồm khả năng có các “ngoại lệ” (carve-outs) cho một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
VinaCapital hiện đang đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau, và đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn trong bối cảnh tác động tiềm tàng lâu dài đối với cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn.
Những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ nhất là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP. Trong tháng 2, Chính phủ đã công bố kế hoạch tăng chi cho đầu tư công, vốn đã rất tham vọng trong năm nay – và thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa này.
– 08:45 04/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/vinacapital-danh-gia-phan-ung-cua-thi-truong-truoc-cac-thong-tin-thue-quan-145-1291237.htm