Vingroup tất bật chuẩn bị một điều chưa công bố giữa tham vọng kép về đường sắt tốc độ cao

VinSpeed ráo riết tuyển nhân sự, tăng tốc chuẩn bị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam?

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed – một doanh nghiệp mới thành lập trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang khẩn trương tuyển dụng hàng loạt vị trí chủ chốt nhằm chuẩn bị nhân lực cho siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

vinspeed.png
Không chỉ riêng VinSpeed, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp trong và ngoài nướ

Theo thông báo tuyển dụng, VinSpeed đang tìm kiếm ít nhất 12 vị trí, trải rộng từ cấp chuyên viên đến quản lý, bao gồm các kỹ sư BIM cao cấp, Trưởng phòng BIM, chuyên gia pháp lý, kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ điện, chuyên viên về chuyển giao công nghệ và quản lý dự án. Mức lương dành cho các vị trí này không được công bố cụ thể mà sẽ thỏa thuận tùy theo năng lực ứng viên.

tuyển dụng
Những động thái mới của VinSpeed cho thấy quyết tâm với dự án mang tính lịch sử của đất nước

VinSpeed được thành lập vào tháng 5/2025, ngay sau đó ngày 14/5 đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký đầu tư tuyến đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam. Tổng vốn đầu tư cho dự án mà VinSpeed đề xuất ước tính khoảng 1,6 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 61 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Trong đề xuất gửi cơ quan chức năng, VinSpeed cam kết huy động 20% tổng mức đầu tư, tức khoảng 312.330 tỷ đồng (xấp xỉ 12,27 tỷ USD) từ nguồn lực doanh nghiệp. Phần còn lại, chiếm 80% tổng vốn (không bao gồm chi phí GPMB), được đề xuất sử dụng vốn vay từ Nhà nước với lãi suất 0% và thời hạn vay kéo dài trong vòng 30 năm kể từ ngày giải ngân.

Chuyển cổ phiếu góp vốn: Tín hiệu dồn lực từ “ông lớn” Vingroup

Đáng chú ý, để tăng năng lực tài chính cho VinSpeed, ngày 27/6 vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất chuyển nhượng 87,56 triệu cổ phiếu VIC – có giá trị ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng theo giá thị trường để góp vốn vào công ty này. Sau thương vụ, VinSpeed hiện sở hữu 135,6 triệu cổ phiếu VIC, tương đương khoảng 3,5% cổ phần phổ thông tại Vingroup.

Tính đến nay, ông Vượng vẫn trực tiếp nắm giữ gần 450 triệu cổ phiếu VIC. Ngoài ra, các pháp nhân liên quan và công ty đầu tư do ông kiểm soát sở hữu khoảng 1,8 tỷ cổ phiếu, cho thấy sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ phía sau VinSpeed.

Không chỉ riêng VinSpeed, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tập đoàn Trường Hải (THACO) cũng đã chính thức đề xuất tham gia đầu tư. Ngoài ra, một số liên danh và doanh nghiệp khác như Liên danh Mekolor – Great USA, Coong ty CP Xây dựng Thăng Long Quốc gia và Coong ty CP Vận tải Đường sắt Việt Nam đã nộp hồ sơ với các phương án đầu tư độc lập hoặc liên doanh.

Nhiều tập đoàn nước ngoài đến từ các quốc gia có thế mạnh về công nghệ đường sắt như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… cũng đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến dự án này.

Tại cuộc họp báo ngày 11/7 về công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với các luật vừa được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện chưa có đề xuất đầu tư nào vượt giới hạn pháp luật hiện hành.

Đáng chú ý, Quốc hội đã thống nhất bổ sung thêm hai hình thức đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, gồm đầu tư theo Luật PPP và Luật Đầu tư kinh doanh – bên cạnh hình thức đầu tư công như trước đây. Bộ Xây dựng cũng đang cùng Bộ Tài chính đánh giá kỹ lưỡng các phương án chuyển đổi mô hình đầu tư, đồng thời gửi văn bản hướng dẫn tiêu chí đánh giá đến các nhà đầu tư quan tâm.

Một Hội đồng tư vấn nhà nước cũng đang được thành lập để rà soát và lựa chọn các đề xuất khả thi nhất, đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp pháp lý khi triển khai đại dự án mang tầm vóc quốc gia này.

Nước đi táo bạo trị giá 5,4 tỷ USD

Ngoài đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Tập đoàn Vingroup vừa qua cũng đã gây chú ý khi đề xuất triển khai một tuyến đường sắt cao tốc nối liền Thủ đô Hà Nội với tỉnh Quảng Ninh – một hành trình dài gần 121 km và được thiết kế dành riêng cho vận tải hành khách.

Theo đề xuất, điểm đầu của tuyến đường sắt bắt đầu từ Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (Hà Nội) và kết thúc tại khu công viên rừng thuộc phường Đại Yên (Quảng Ninh). Tuyến này dự kiến đạt tốc độ tối đa 350 km/h, sử dụng khổ đường tiêu chuẩn 1.435 mm và toàn tuyến được điện khí hóa hiện đại.

Vingroup đưa ra hai lựa chọn về hướng tuyến đi qua địa bàn Hà Nội. Phương án đầu tiên không đi qua ga Yên Viên, thay vào đó là một trục kết nối giữa cầu Tứ Liên và sân bay Gia Bình. Phương án thứ hai sẽ tận dụng tuyến đường sắt hiện hữu, đi qua ga Yên Viên trước khi tiếp tục hành trình.

Tuyến đường dự kiến có 4 nhà ga chính gồm: Cổ Loa, Gia Bình, Yên Tử và Hạ Long. Trong trường hợp lựa chọn phương án qua ga Yên Viên, số lượng ga có thể được mở rộng thêm, góp phần gia tăng khả năng kết nối và thúc đẩy phát triển các khu vực phụ cận.

Dự án dự kiến sử dụng khoảng 308 ha đất và tổng mức đầu tư lên tới 5,4 tỷ USD (hơn 133.000 tỷ đồng). Mục tiêu được đặt ra là hoàn thành trước năm 2030, đưa Việt Nam tiến thêm một bước gần hơn tới chuẩn hạ tầng giao thông hiện đại.

Đáng chú ý, toàn bộ chi phí đầu tư dự án sẽ do Vingroup tự đảm đương, theo mô hình BOO (Build – Own – Operate: xây dựng – sở hữu – vận hành), không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước. Đây được xem là một trong những cam kết mạnh mẽ nhất của khu vực tư nhân trong việc phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của quốc gia.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vingroup-tat-bat-chuan-bi-mot-dieu-chua-cong-bo-giua-tham-vong-kep-ve-duong-sat-toc-do-cao-1390618.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *