Chứng khoán toàn cầu khởi sắc sau tiến triển đàm phán thương mại
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch sôi động, với đà phục hồi lan tỏa trên diện rộng khi VN-Index tăng hơn 41 điểm, đóng cửa tại mức 1.267,3 điểm, đánh dấu tuần tăng thứ ba trong vòng năm tuần trở lại đây kể từ khi chỉ số tạo đáy.
Đáng chú ý, đây cũng là tuần giao dịch đầu tiên hệ thống KRX đi vào vận hành chính thức, góp phần tăng thêm tính ổn định và kỳ vọng về tính minh bạch của thị trường trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Không chỉ trong nước, chứng khoán toàn cầu cũng đồng loạt khởi sắc sau khi những tín hiệu tích cực từ tiến trình đàm phán thương mại Mỹ – Trung được công bố. Tại Thụy Sĩ, sau hai ngày làm việc căng thẳng, đại diện hai quốc gia đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc hạ nhiệt căng thẳng thuế quan.
Đặc biệt, việc Anh là quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế mới đầu tháng 4 đã tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, lan tỏa đến các thị trường khu vực như Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc và cả Việt Nam.
Dòng tiền quay lại thị trường Việt Nam thể hiện qua mức thanh khoản tuần đạt 19.263 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với tuần trước. Trong khi đó, khối ngoại cũng bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều mua ròng trở lại sau chuỗi bán ròng kéo dài từ đầu năm 2024.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.222 tỷ đồng trong tuần, đánh dấu tháng mua ròng đầu tiên kể từ tháng 1/2024. Một số mã được mua ròng đáng chú ý bao gồm DXG, VIC, NLG, và đặc biệt là HPG với tổng giá trị mua ròng trong một tháng qua lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là mặt bằng thanh khoản trong tháng 5 vẫn thấp hơn đáng kể so với tháng trước và trung bình năm 2024, phản ánh tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng, đặc biệt khi thị trường đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.275 – 1.300 điểm.
Áp lực chốt lời có thể xuất hiện vùng 1.275–1.300 điểm là vùng kiểm định tâm lý
Mặc dù các nhóm cổ phiếu lớn như bất động sản, dầu khí, bán lẻ và khu công nghiệp đều ghi nhận mức tăng ấn tượng. Trong đó Vingroup tăng hơn 9%, nhóm BĐS KCN tăng 7,1%, nhưng các dấu hiệu chốt lời ngắn hạn bắt đầu xuất hiện sau một tháng phục hồi liên tục với mức tăng hơn 18% kể từ đáy.
Mặt bằng định giá hiện tại cũng là yếu tố khiến thị trường hấp dẫn trở lại đối với nhà đầu tư trung – dài hạn. Chỉ số P/E trailing của VN-Index hiện ở mức 12,9 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình 3 năm (16,84 lần), và thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 13,48 kể từ tháng 5/2020. Đây là một yếu tố kỹ thuật thường cho thấy thị trường đang bước vào vùng chiết khấu tương đối so với giá trị thực, nhất là trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư không nên chủ quan, bởi áp lực chốt lời kỹ thuật tại vùng 1.280 – 1.300 điểm vẫn là yếu tố cần theo dõi chặt chẽ trong tuần này.
Trong kịch bản cơ bản, nếu không có thông tin đột biến, thị trường có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ mạnh tại MA200, tương đương 1.260 – 1.262 điểm. Ở kịch bản thận trọng hơn, vùng hỗ trợ sâu hơn ở khu vực 1.240 điểm sẽ là vùng “giữ chân” quan trọng để duy trì cấu trúc hồi phục đang hình thành.
Về mặt chiến lược, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, tập trung vào những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng thực chất như bất động sản, dầu khí, đầu tư công, chứng khoán, công nghệ và ngân hàng. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu đang được chiết khấu mạnh so với thời điểm trước đỉnh tháng 3 như chứng khoán và công nghệ có thể là vùng giá hấp dẫn để tích lũy dần cho chu kỳ trung hạn.
Dòng vốn toàn cầu đang trở lại với thị trường châu Á khi lợi nhuận doanh nghiệp khu vực này được kỳ vọng ít chịu ảnh hưởng hơn từ chính sách thuế quan của Mỹ. Các quỹ toàn cầu đã mua ròng gần 10 tỷ USD tại các thị trường mới nổi châu Á (trừ Trung Quốc) chỉ trong ba tuần gần nhất, cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến sáng giá nhờ mức định giá hấp dẫn và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong thời gian tới.
Tổng hòa các yếu tố cả vĩ mô và vi mô, báo cáo của MBS cho thấy bức tranh thị trường đang thiên về tích cực. Dù áp lực ngắn hạn có thể khiến VN-Index rung lắc quanh vùng 1.280 điểm, nhưng về trung hạn, việc dòng tiền lớn quay lại, tâm lý cải thiện và mặt bằng định giá chiết khấu là những nền tảng quan trọng để thị trường duy trì đà phục hồi trong thời gian tới.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vn-index-tang-tuan-thu-ba-ndt-nen-lam-gi-voi-vung-khang-cu-1-300-1378122.html