Trong quý II/2025, VNDirect đã đầu tư vào cổ phiếu HSG thay cho 2 mã ngân hàng. Đáng chú ý, khoản phải thu khó đòi đối với nhóm Trung Nam tăng gần 1.700 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
CTCP Chứng khoán VNDirect (MCK: VND, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu hoạt động 1.698 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Chiếm một nửa doanh thu là hoạt động tự doanh với gần 834 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL nên lợi nhuận thuần từ mảng này ghi nhận 378 tỷ đồng, tăng gần 39% so với cùng kỳ.
Hoạt động tăng trưởng mạnh nhất kỳ này là doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính, tăng từ hơn 4 tỷ đồng lên 109 tỷ đồng. Mảng môi giới tăng 20% lên mức 219 tỷ đồng. Lãi từ các các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 140 tỷ đồng, cũng tăng hơn 20% YoY.
Doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán đạt 36 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán đạt 45 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Riêng lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm nhẹ ghi nhận 298 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng nhẹ 8,3% lên mức 870 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi, lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản cho vay tăng gấp 2,3 lần lên gần 230 tỷ đồng.
Kết quả, VNDirect đạt lợi nhuận trước thuế 488 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 369 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,5% và 7% so với cùng kỳ.
Lũy kế nửa đầu năm 2025, VNDirect mang về 2.956 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dưới áp lực chi phí nên lợi nhuận sau thuế giảm 22% so với cùng kỳ, đạt 751 tỷ đồng.
Tổng tài sản của VNDirect tại thời điểm cuối quý II/2025 ở mức hơn 47.919 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp 1,8 lần so với đầu năm lên mức 1.587 tỷ đồng. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn hơn 8.900 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm. Các khoản cho vay tăng thêm khoảng 300 tỷ đồng lên mức 10.644 tỷ đồng.
Danh mục tài sản tài chính FVTPL có giá gốc 20.685 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu chiếm 12.139 tỷ đồng, giảm 2.566 tỷ đồng sau một quý. Chứng chỉ tiền gửi với hơn 5.800 tỷ đồng cũng giảm 2.200 tỷ đồng sau một quý.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý II/2025
Về đầu tư cổ phiếu, VNDirect “rót” 516 tỷ đồng vào cổ phiếu VPB và 484 tỷ đồng vào cổ phiếu HSG. Dù vậy, cả hai mã này đều đang tạm lỗ lần lượt là 45 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. So với thời điểm cuối quý I/2025, VND đã đầu tư HSG thay cho 2 mã ngân hàng là STB và CTG.
Đáng chú ý, VNDirect phải trích lập dự phòng 342 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng 77% sau 6 tháng đầu năm. Cùng với đó, tổng giá trị phải thu khó đòi đối với nhóm Trung Nam là 1.840 tỷ đồng, tăng 1.465 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý II/2025
Về nguồn vốn, vay và nợ ngắn hạn chiếm 26.139 tỷ đồng, tăng hơn 3.700 tỷ đồng so với đầu năm, phần lớn là vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/vnd-vndirect-rot-tien-vao-co-phieu-thep-tang-trich-lap-du-phong-nhom-trung-nam/33873465