Thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù có sự góp mặt của các doanh nghiệp từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, vẫn cho thấy sự thống trị gần như tuyệt đối của các doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo số liệu tại ngày 4/7, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 7,7 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, vốn hóa các doanh nghiệp tại Hà Nội đã chiếm hơn nửa vốn hóa toàn thị trường khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, bỏ xa các tỉnh, thành còn lại.
TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với vốn hóa các doanh nghiệp đã lên sàn là 2,46 triệu tỷ đồng, khoảng 32%.
Tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp đã lên sàn tại 2 thành phố này đã lên đến 6,6 triệu tỷ đồng, chiếm đến 86,4% toàn thị trường.
32 tỉnh, thành còn lại không có tỉnh, thành nào có vốn hóa các doanh nghiệp lớn hơn 200.000 tỷ đồng. Trên 100.000 tỷ đồng cũng chỉ có 3nơi là Hưng Yên (184.000 tỷ đồng), Khánh Hòa (175.000 tỷ đồng) và Hải Phòng (102.000 tỷ đồng).
Sự tập trung này không quá khó hiểu khi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ lâu đã là 2 trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước. Phần lớn các doanh nghiệp đầu ngành, có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất trên sàn chứng khoán đều có “hộ khẩu” tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh.
Trong top 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, có tới 10 doanh nghiệp tại Hà Nội, 8 doanh nghiệp tại TP.HCM, 1 doanh nghiệp ở Hưng Yên (Hòa Phát) và 1 doanh nghiệp ở Khánh Hòa (Vinpearl).
Đáng chú ý, 7 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường toàn bộ đều có trụ sở tại Hà Nội. Chỉ riêng 7 doanh nghiệp này đã có tổng giá trị vốn hóa lên tới hơn 2,1 triệu tỷ đồng.
Sự thống trị của Hà Nội trên bản đồ vốn hóa thị trường chứng khoán có một phần quan trọng đến từ việc đây là nơi quy tụ của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Viettel Global, MB, Vietnam Airlines… Khối doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội ghi nhận có 89 doanh nghiệp trên sàn có vốn hóa gần 1,9 triệu tỷ đồng. Con số này tại TP.HCM là 85 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 730.000 tỷ đồng.
Nếu loại bỏ khối DNNN, giá trị vốn hóa các doanh nghiệp trên sàn ở Hà Nội là hơn 2,3 triệu tỷ đồng và TP.HCM là hơn 1,73 triệu tỷ đồng, chênh nhau khoảng 574.000 tỷ đồng. Đây vẫn là một con số đáng kể nhưng đã thấp hơn nhiều khi tính cả khối DNNN là hơn 1,7 triệu tỷ đồng.
Với mục tiêu tôn vinh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế và tinh thần phụng sự xã hội, trong năm 2024, CafeF đã lần đầu tiên công bố hệ thống vinh danh CafeF Lists gồm hai bảng xếp hạng PRIVATE 100 và VNTAX 200 – vinh danh các doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn nhất cho Việt Nam.
Trong đó, VNTAX 200 là danh sách quy tụ tất cả các doanh nghiệp có mức nộp ngân sách trong năm tài chính từ 200 tỷ đồng trở lên (bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, FDI, liên doanh). Còn PRIVATE 100 là danh sách dành riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân với mức nộp ngân sách từ 100 tỷ đồng trở lên.
Với tổng cộng hàng trăm nghìn tỷ đồng đóng góp từ các doanh nghiệp hàng đầu, đây là bảng vinh danh nộp ngân sách duy nhất phản ánh toàn diện mức độ đóng góp của doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực kinh tế.
Quy mô của danh sách PRIVATE 100 năm 2025 chắc sẽ còn lớn hơn nữa khi còn nhiều doanh nghiệp lớn chưa công bố số liệu.
CafeF kỳ vọng PRIVATE 100 và VNTAX 200 năm 2025 sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp nhiều hơn cho sự thịnh vượng của đất nước.
Bên cạnh số liệu do Ban tổ chức thu thập, tất cả các doanh nghiệp có mức nộp ngân sách trong năm từ 200 tỷ đồng trở lên hoặc từ doanh nghiệp tư nhân từ 100 tỷ đồng trở lên đều có thể gửi thông tin về cho Ban tổ chức để tham gia danh sách.
Dự kiến danh sách PRIVATE 100 năm 2025 dành riêng cho nhóm doanh nghiệp tư nhân sẽ được công bố trong tháng 7/2025. Danh sách VNTAX 200 đại diện cho toàn bộ các doanh nghiệp sẽ được công bố sau đó.
Nguồn: https://cafef.vn/von-hoa-cac-doanh-nghiep-tai-ha-noi-hon-4-trieu-ty-dong-gap-17-lan-tai-tphcm-loai-bo-cac-dnnn-thi-sao-188250708002703959.chn