Vừa báo lãi quý 1 tăng 444%, doanh nghiệp Việt nắm loại khoáng sản được cả thế giới “săn lùng” chuẩn bị lăn chốt trả cổ tức kỷ lục 8.800 đồng/cp

CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã: HGM) vừa thông báo 27/5 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện chi trả cổ tức đợt 3/2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 88% (tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 8.800 đồng). Ngày thanh toán dự kiến vào 27/6/2025.

Với 12,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền HGM cần chi ra ước tính gần 111 tỷ đồng.

Trước đó, Khoáng sản Hà Giang đã tạm ứng 2 đợt cổ tức với tổng tỷ lệ 50%. Tính cả đợt này, tổng mức trả cổ tức tiền mặt năm 2024 lên tới 138% (13.800 đồng/cp), cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Doanh nghiệp khoáng sản mạnh tay trả cổ tức sau khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lập kỷ lục trong năm 2024. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 370 tỷ đồng, lãi trước thuế 233 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 232% so với năm 2023. Biên lợi nhuận trước thuế đạt 63%, tức doanh nghiệp này cứ thu 3 đồng thì lãi 2 đồng.

Sang tới quý 1/2025, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng khởi sắc với doanh thu thuần đạt 154 tỷ đồng, tăng 194% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân bởi doanh thu xuất khẩu kim loại Antimon tăng 249,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn Antimon cũng giảm khoảng 5 tỷ đồng, giảm khoảng 17,93% so với kỳ trước.

Khấu trừ chi phí, HGM thu về 127 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 444% và 441% so với cùng kỳ năm trước.

Vừa báo lãi quý 1 tăng 444%, doanh nghiệp Việt nắm loại khoáng sản được cả thế giới “săn lùng” chuẩn bị lăn chốt trả cổ tức kỷ lục 8.800 đồng/cp- Ảnh 1.

Nắm loại khoáng sản được cả thế giới “săn lùng”

Antimon là khoáng sản quan trọng được Canada, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trên toàn cầu “săn đón”. Đây là kim loại mang tính chiến lược được sử dụng trong quân sự như đạn dược, tên lửa cũng như pin lưu trữ axit chì được sử dụng trong ô tô và má phanh nhờ đặc tính chịu nhiệt của nó.

Nguồn tài nguyên quan trọng này cũng được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực công nghệ cao, là thành phần chính trong chất bán dẫn, bảng mạch, công tắc điện, ánh sáng huỳnh quang, kính trong suốt chất lượng cao và pin lithium-ion. Các sản phẩm quen thuộc như điện thoại thông minh, TV độ phân giải cao, thiết bị nhà bếp hiện đại hay thậm chí cả ô tô sử dụng mạch kỹ thuật số đều cần tới Antimon.

Với sự gia tăng nhu cầu trong các ngành công nghiệp quan trọng, các quốc gia phương Tây hiện đang đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt về Antimon. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 50% hoạt động khai thác và 80% sản lượng Antimon toàn cầu. Điều này khiến các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trở nên phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

HGM hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất Antimon thành phẩm ở quy mô công nghiệp. Chính sách hạn chế xuất khẩu Antimon của Trung Quốc được kỳ vọng đem lại lợi thế tăng giá bán cho doanh nghiệp.

Hiện tại, công ty có quyền khai thác mỏ Antimon Mậu Duệ ở tỉnh Hà Giang gồm ba thân quặng và đang khai thác thân quặng II với trữ lượng khoảng 372.000 tấn quặng với hàm lượng Antimon đạt gần 10%. Ngoài ra, với trữ lượng của thân quặng I và III được ước tính xấp xỉ thân quặng II, công ty cho biết sẽ có nguồn quặng dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong tương lai.

Trên thị trường, thị giá HGM chốt phiên 13/5 dừng tại mốc 313.000 đồng/cp, là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. HGM chứng kiến đà tăng giá gần 40% kể từ đầu năm.

Vừa báo lãi quý 1 tăng 444%, doanh nghiệp Việt nắm loại khoáng sản được cả thế giới “săn lùng” chuẩn bị lăn chốt trả cổ tức kỷ lục 8.800 đồng/cp- Ảnh 2.

Nguồn: https://cafef.vn/vua-bao-lai-quy-1-tang-444-doanh-nghiep-viet-nam-loai-khoang-san-duoc-ca-the-gioi-san-lung-chuan-bi-lan-chot-tra-co-tuc-ky-luc-8800-dong-cp-188250513221611983.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *