Vừa tung tàu đường sắt cao tốc chạy tới 450km/h, Trung Quốc đã muốn nối đôi bờ 2 vùng biển lớn bằng dự án 70 tỷ USD

Một tuyến đường sắt dài 4.500 km, nối bờ Đại Tây Dương của Brazil với Thái Bình Dương qua lãnh thổ Peru, đang được Brazil và Trung Quốc khởi động nghiên cứu khả thi – với kỳ vọng tái định hình các tuyến thương mại xuyên Nam Mỹ và mở rộng kết nối với thị trường châu Á.

duongsattrungquoc.png
Chi phí ước tính cho dự án có thể vượt mốc 70 tỷ USD (tương đương khoảng 1,8 triệu tỷ đồng)

Ngày 7/7 vừa qua, công ty nhà nước Infra S.A của Brazil, trực thuộc Bộ Giao thông, và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quy hoạch Đường sắt Trung Quốc – đơn vị thuộc Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nghiên cứu dự án. Đây là bước tiến cụ thể sau nhiều tháng đàm phán giữa hai chính phủ và các cơ quan chuyên môn, mở ra một chương mới trong hợp tác hạ tầng giữa hai nền kinh tế lớn của toàn cầu.

Dự án được đề xuất sẽ bắt đầu từ thành phố Ilhéus (bang Bahia, miền Bắc Brazil), đi qua Rio Branco (bang Acre), vượt dãy Andes và kết thúc tại cảng Chancay bên bờ Thái Bình Dương – gần thủ đô Lima của Peru. Với chiều dài lên tới 4.500 km, tuyến hành lang này được coi là một trong những dự án đường sắt dài và tham vọng nhất từng được cân nhắc tại khu vực Nam Mỹ.

Chi phí ước tính cho dự án có thể vượt mốc 70 tỷ USD (tương đương khoảng 1,8 triệu tỷ đồng). Tuy nhiên, giai đoạn đầu chỉ mới ở bước nghiên cứu kỹ thuật, môi trường và kinh tế – dự kiến kéo dài trong vòng 5 năm. Những đánh giá này sẽ làm rõ tính khả thi về địa chất, ảnh hưởng đến sinh thái, hiệu quả thương mại cũng như tác động tới các cộng đồng dân cư dọc tuyến.

Một trong những lợi ích lớn được nhấn mạnh là khả năng rút ngắn tới 12 ngày thời gian vận chuyển hàng hóa từ Brazil sang châu Á so với các tuyến hàng hải hiện nay qua kênh đào Panama. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Brazil đang là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về nông sản và khoáng sản, trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn và ổn định.

Về mặt chiến lược, Chính phủ Brazil dưới thời Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva coi việc tiếp cận trực tiếp Thái Bình Dương là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và mở rộng quan hệ thương mại với châu Á. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự chủ động trong việc xây dựng các tuyến logistics chiến lược trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Đáng chú ý, cảng Chancay – điểm cuối dự kiến của tuyến đường sắt đã được Trung Quốc đầu tư hơn 3,5 tỷ USD và chính thức khánh thành vào cuối năm 2024. Cảng này được kỳ vọng sẽ trở thành “cửa ngõ Thái Bình Dương” của khu vực Andes và Amazon, đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới vận tải liên lục địa mà Trung Quốc đang xây dựng.

“Quan hệ đối tác này là kết quả của sự tin cậy và tầm nhìn chung, góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống vận tải của hai nước”, ông Wang Jie – Tổng giám đốc Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh tại lễ ký kết. Phía Brazil cũng kỳ vọng dự án sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu và đóng góp vào hội nhập kinh tế khu vực.

Dù còn nhiều thách thức về tài chính, kỹ thuật và môi trường, giới quan sát nhận định dự án đường sắt xuyên lục địa nếu được triển khai thành công sẽ là một cột mốc lịch sử với khu vực Nam Mỹ – tương tự như vai trò của các tuyến đường sắt xuyên lục địa ở châu Âu và Bắc Mỹ trong thế kỷ XX.

Tham khảo SCMP

Tại Hội nghị Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12 tổ chức ở Bắc Kinh mới đây, Trung Quốc đã giới thiệu mẫu tàu cao tốc CR450 – được xem là tàu cao tốc thương mại nhanh nhất thế giới hiện nay. Mẫu tàu này đạt tốc độ thử nghiệm 450 km/h và có thể vận hành ổn định ở 400 km/h, vượt qua các đối thủ đến từ Nhật Bản và Pháp.

CR450 có hai biến thể (AF và BF), đang được thử nghiệm tại Trung tâm đường sắt quốc gia Trung Quốc. Các thông số kỹ thuật về tốc độ, độ ồn, hiệu suất phanh và tiêu thụ năng lượng đều đạt chuẩn. Tàu dự kiến sẽ chính thức đi vào vận hành sau giai đoạn đánh giá kéo dài 1 năm và hơn 600.000 km thử nghiệm.

Việc đồng thời đẩy mạnh cả mạng lưới đường sắt quốc tế và năng lực công nghệ trong nước cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc toàn cầu – không chỉ ở khía cạnh xây dựng hạ tầng, mà còn trong xuất khẩu công nghệ và tiêu chuẩn vận hành.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vua-tung-tau-duong-sat-cao-toc-chay-toi-450km-h-trung-quoc-da-muon-noi-doi-bo-2-vung-bien-lon-bang-du-an-70-ty-usd-1390378.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *