Xuất hiện chỉ báo chứng khoán tiến vào vùng ‘lạc quan quá mức’

Nhiều doanh nghiệp lớn báo lãi quý II

Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã: DBC) ước tính lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đã vượt 1% kế hoạch cả năm, đạt hơn 1.000 tỷ đồng – cao gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu đạt 12.537 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Năm nay, Dabaco đặt kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 1.108 tỷ đồng, sau thuế 1.007 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KBSV, kết quả kinh doanh vượt trội của Dabaco đến từ việc giá heo tại miền Bắc duy trì ở mức cao (68.000 đồng/kg), trong khi chi phí chăn nuôi của doanh nghiệp chỉ khoảng 46.000 – 51.000 đồng/kg.

Một điểm sáng khác là Công ty cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL (mã: VCA) công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu thuần đạt 574 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,93 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, công ty báo lợi nhuận sau thuế 1,97 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1%.

Trong lĩnh vực hàng không, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) ước đạt hơn 22.100 tỷ đồng doanh thu trong quý II. Lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận hợp nhất ước khoảng 1.600 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, trong đó riêng công ty mẹ đạt trên 4.000 tỷ đồng.

photo-1752574635120

Dự báo lợi nhuận toàn thị trường trong quý II/2025 tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước.

 

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận toàn thị trường trong quý II/2025 tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những áp lực từ biến động địa chính trị và căng thẳng thương mại toàn cầu.

Riêng ngành ngân hàng, MBS ước tính lợi nhuận quý II sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng tín dụng khả quan và biên lãi ròng (NIM) giữ ổn định, không tiếp tục suy giảm. MBS dự báo có 8 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trên 10%, trong đó đáng chú ý là VPBank có mức tăng 39%, đạt 5.046 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Eximbank cũng tăng khoảng 35%, thu về 859 tỷ đồng.

Theo một số đơn vị phân tích, động lực chính giúp lợi nhuận ngân hàng cải thiện là tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu. Đến 26/6, tăng trưởng tín dụng đạt 8,3%, cao nhất kể từ năm 2023 (cùng thời điểm năm trước đạt 4,8%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,1%, cao hơn nhiều mức tăng cùng thời điểm năm trước (1,8%)

Nhóm ngân hàng tư nhân cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Một số ngân hàng có mức tăng tín dụng mạnh vào cuối quý II gồm VPBank (12%), Eximbank (13%), LPBank (10%), Sacombank và Techcombank (9%), VIB (8%).

Nhà đầu tư có “lạc quan quá mức”?

Bên cạnh đó, một số ngành được dự báo tăng trưởng lợi nhuận nổi bật trong quý II gồm: Xây dựng đạt 69%, cảng biển và vận tải biển (66%) và hàng không (54%). Ở chiều ngược lại, MBS chỉ ra, một số lĩnh vực có thể ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó bất động sản dân cư giảm 27% do hoạt động bàn giao chưa diễn ra mạnh. Lợi nhuận ngành dầu khí ước giảm 11% do giá dầu trung bình trong kỳ thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh mới, kết quả kinh doanh quý II được dự báo tích cực từ các doanh nghiệp lớn… được kỳ vọng trở thành động lực quan trọng, củng cố tâm lý nhà đầu tư, hút dòng tiền.

photo-1752574601958

Chỉ báo tâm lý và phân bổ dòng tiền của YSVN cho thấy, tâm lý ngắn hạn trên thị trường đã tiến vào vùng “lạc quan quá mức” trong những phiên gần đây.

 

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) – nhận định, chỉ báo tâm lý ngắn hạn trên thị trường đã tiến vào vùng “lạc quan quá mức” trong những phiên gần đây.

Tuy bên mua vẫn chiếm ưu thế nhưng độ rộng thị trường bắt đầu thu hẹp, cho thấy lực bán đang tăng lên ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ngược lại, dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu tài chính – nhóm giữ vai trò dẫn dắt thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Ông Minh cũng chỉ ra một loạt yếu tố đang củng cố cho đà tăng của thị trường như môi trường thuế quan bớt căng thẳng, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thấp hơn so với các thị trường khu vực. Điều này đang tạo nền tảng cho dòng vốn ngoại quay trở lại một cách bền vững hơn, mang tính chất trung hạn thay vì chỉ là hiệu ứng ngắn hạn.

Dữ liệu ghi nhận, từ phiên 2/7 đến nay, khối ngoại đã quay lại mua ròng mạnh, với tổng giá trị mua ròng trong tháng 7 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các mã SSI, FPT, SHB, HPG… Đây là mức mua ròng đáng kể sau giai đoạn rút lui kéo dài trước đó.

Nguồn: https://cafef.vn/xuat-hien-chi-bao-chung-khoan-tien-vao-vung-lac-quan-qua-muc-188250715171927397.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *