Thép Thống Nhất: Lợi nhuận xuống đáy 6 quý
Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất (UPCoM: TNS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 với doanh thu thuần chỉ đạt 288 tỷ đồng, lao dốc gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhẹ lên 3,1% (so với 2,3% cùng kỳ), con số này vẫn chưa đủ để bù đắp đà giảm mạnh về sản lượng và doanh thu.
Lợi nhuận gộp của TNS chỉ đạt hơn 9 tỷ đồng, giảm tới 57% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế còn lại hơn 3 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong 6 quý gần đây và giảm 67% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty thu về 738 tỷ đồng doanh thu và gần 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 57% và 20% so với nửa đầu năm 2024.
Giải trình nguyên nhân sụt giảm, Thép Thống Nhất cho biết quý vừa qua là giai đoạn đầy sóng gió của ngành khi hoạt động xuất khẩu bị siết chặt bởi hàng rào thuế quan và các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt từ Mỹ. Điều này khiến sản lượng sản xuất của công ty giảm 44%, sản lượng tiêu thụ giảm 35%, kéo theo doanh thu đi xuống mạnh.
Nhiều doanh nghiệp cùng ngành báo lãi ấn tượng
Trái với TNS, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) giữ được đà lợi nhuận, dù doanh thu có phần suy giảm. Quý 2/2025, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hợp nhất ước tính 9.504 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại nhích nhẹ lên 274 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm tài chính 2024–2025 (từ 1/10/2024 đến 30/6/2025), HSG đạt 28.176 tỷ đồng doanh thu và 647 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 3,3% và 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính theo kế hoạch năm, Hoa Sen đã hoàn thành 74% mục tiêu doanh thu và vượt 29% chỉ tiêu lợi nhuận theo phương án cao.
Đáng chú ý, từ tháng 9/2024, Hoa Sen đã chủ động dừng xuất khẩu tôn mạ sang thị trường Mỹ – động thái nhằm tránh các rủi ro liên quan đến điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Thay vào đó, công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong nước, tập trung phát triển chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng và nội thất, bên cạnh các dòng sản phẩm truyền thống như tôn, ống thép và ống nhựa.
Một điểm sáng khác là Công ty CP Thép Vicasa – VNSteel (VCA), đơn vị hiếm hoi trong ngành ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý 2. Doanh thu thuần của VCA đạt 574 tỷ đồng, bật tăng tới 65% YoY nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng 73%.
Lợi nhuận gộp tăng hơn gấp đôi lên gần 12,8 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,93 tỷ đồng – cao gấp 3 lần cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, VCA báo lãi sau thuế gần 2 tỷ đồng, tăng 9% so với nửa đầu 2024.
Toàn cảnh ngành: Kỳ vọng vào tiêu thụ nội địa
Theo báo cáo ngành mới nhất từ Chứng khoán SSI công bố ngày 11/7, sản lượng thép toàn cầu trong 5 tháng đầu năm 2025 giảm 1,3% so với cùng kỳ, xuống còn 784 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu yếu tại các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp sản xuất toàn cầu.
Ngược lại, nhu cầu trong nước lại tăng mạnh 11%, nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và tiến độ giải ngân đầu tư công được đẩy nhanh. Trong đó, thép xây dựng tiêu thụ tăng 10%, thép dẹt (bao gồm tôn mạ, ống thép) tăng 3%, và thép cuộn cán nóng (HRC) tăng tới 12% – phần nào được hỗ trợ bởi chính sách áp thuế chống bán phá giá với thép nhập khẩu.
Theo Chứng khoán SSI, trong nửa cuối năm, thị trường nội địa sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành. Tuy vậy, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt ở phân khúc tôn mạ sẽ khiến biên lợi nhuận tiếp tục bị thu hẹp. Các ông lớn như Nam Kim và Tôn Đông Á đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, làm gia tăng áp lực trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn chưa hết khó khăn.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-gap-kho-mot-doanh-nghiep-thep-roi-vao-quy-am-dam-nhat-trong-gan-hai-nam-1391233.html